Nhu cầu về mua bán, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) gia tăng khiến cho nhu cầu về môi giới cũng ngày một nhiều hơn. Đối với nghề môi giới, phí môi giới luôn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu. Bởi lẽ, đây là khoản tiền quyết định chủ yếu thu nhập của họ. Vậy phí này được hiểu như thế nào? Cách tính ra sao? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây: Phí môi giới nhà đất là gì; Cách tính phí môi giới BĐS; Và Lưu ý về thỏa thuận phí môi giới.
1. Phí môi giới (nhà đất) là gì?
Theo Khoản 2 Điều 3 Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định, môi giới BĐS là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Môi giới bất động sản khác nhân viên bán hàng ở chỗ, nhân viên bán hàng chỉ đơn thuần là tìm kiếm người mua còn môi giới bất động sản là tìm kiếm và kết nối giữa người bán với người muốn mua.
Nhờ có môi giới, các giao dịch BĐS trở nên nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng hơn. Khi các giao dịch hoàn tất và môi giới BĐS đã thực hiện xong các công việc theo thỏa thuận, người sử dụng dịch vụ môi giới mua/ bán/ cho thuê/ hỗ trợ giấy tờ… phải trả cho môi giới 1 khoản chi phí để thù lao/ bồi dưỡng. Đây là khoản tiền chính đáng, được nhà nước công nhận theo quy định tại Điều 64, 65 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, bao gồm thù lao môi giới BĐS và hoa hồng môi giới BĐS. Chúng ta tạm gọi chung 2 phí này là phí môi giới.
2. Cách tính phí môi giới (BĐS)
Tùy theo thỏa thuận công việc, một môi giới sẽ nhận được một hoặc cả hai khoản tiền sau:
- Thù lao môi giới: Mức thù lao này dựa vào sự thỏa thuận của môi giới và khách hàng, không phụ thuộc vào giá của giao dịch được môi giới hoặc kết quả giao dịch (mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản) giữa khách hàng với người thứ ba. Các công việc được trả thù lao có thể là tìm kiếm BĐS đúng nhu cầu, hoặc hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý nhà đất, thực hiện thủ tục đăng bộ/ sang tên...
- Hoa hồng môi giới: Môi giới được hưởng hoa hồng khi khách hàng ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, hoặc cho thuê mua bất động sản thành công. Khoản này do các bên thỏa thuận trong hợp đồng (HĐ), được xác định dựa trên nhiều yếu tố và không áp dụng một quy tắc chung nào. Thông thường, khoản phí này sẽ khác nhau tùy theo đơn vị môi giới, loại giao dịch là thuê hay mua, nhu cầu bán gấp hay không, giá trị của BĐS, số lượng các thủ tục mà họ giúp hỗ trợ/ thực hiện… Nhưng tựu trung chia chia thành 3 nhóm chính như sau:
• Nhóm cho thuê: Mức hoa hồng dao động từ 1 – 2 tháng tiền thuê thực tế.
• Nhóm mua bán: Đối với nhà riêng lẻ, mức hoa hồng dao động từ 1 - 2% giá trị hợp đồng giao dịch. Đối với căn hộ, nhà đất từ dự án của chủ đầu tư, mức hoa hồng dao động từ 2 - 3% giá trị BĐS.
• Nhóm sang nhượng: Đối với mặt bằng kinh doanh, mức hoa hồng khoảng 5% giá trị tài sản sang nhượng.
3. Lưu ý về thỏa thuận phí môi giới
- Nên thống nhất mức phí môi giới ngay trước khi giao dịch và có cam kết bằng văn bản, HĐ cọc, HĐ mua bán với khách hàng để tránh rủi ro bị mất phí hoa hồng do chỉ thỏa thuận bằng miệng với khách hàng.
- Cần ghi rõ các thông tin như số tiền phải trả, ai chi trả, số đợt chi trả, phương thức thanh toán và có đầy đủ chữ ký các bên trong văn bản, HĐ cọc, HĐ mua bán.
Nghề môi giới BĐS có mức độ cạnh tranh cao nhưng khoản phí môi giới nhà đất lại vô cùng hấp dẫn. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi về thu nhập cho công sức, thời gian đã bỏ ra, hãy xác định rõ các khoản phí cần nhận được, mức phí bao nhiêu và có phương án phòng tránh rủi ro về việc mất phí, bạn nhé!
Những nội dung trong bài chia sẻ này chỉ nhằm cung cấp thông tin mang tính tham khảo về các vấn đề đang được quan tâm mà không nhằm mục đích cung cấp tư vấn về pháp luật và các dịch vụ chuyên môn khác. Kết quả và ảnh hưởng của việc áp dụng các nội dung chia sẻ có thể khác nhau rất lớn trong những tình huống cụ thể. Do đó, chúng tôi khuyến cáo anh chị không sử dụng những nội dung này để thay thế cho nội dung chuyên môn từ các chuyên gia tư vấn.
D.T