Những điều thú vị về thuyết âm dương

Submitted by phongdaotao on T4, 01/04/2023 - 10:46

Thuyết Âm Dương đóng vai trò cốt lõi trong triết học cổ đại phương Đông, Trong đó, Âm – Dương chính là động lực của mọi sự vận động, của mọi hiện tượng trong vũ trụ. Hiểu rõ được thuyết Âm Dương, bạn phần nào sẽ giải thích hoặc luận đoán chính xác quy luật chuyển hóa của tự nhiên, hung cát trong phong thủy số; hoặc tìm ra cách cải vận. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn khám phá những điều thú vị về Thuyết Âm Dương, bao gồm Khái niệm về thuyết Âm Dương; Biểu tượng thuyết Âm Dương; Các quy luật cơ bản trong thuyết Âm Dương; Ứng dụng thuyết Âm Dương trong đời sống.

 1. Khái niệm về thuyết Âm Dương

Cách đây gần 3.000 năm, người Trung Quốc xưa khi quan sát tự nhiên thì nhận thấy mặc dù mọi sự vật luôn có sự đối lập nhưng chúng lại thống nhất, nương tựa vào nhau và không ngừng vận động, biến hoá để phát sinh, phát triển và tiêu vong. Từ đó, hình thành nên khái niệm Âm và Dương, thể hiện cho hai thực thể đối lập ban đầu tạo nên toàn bộ vũ trụ. 

  Âm Dương
Trong tự nhiên Đất, nước, tối, lạnh, đàn bà, thấp, phía dưới, bên trong Trời, lửa, sáng, nóng, đàn ông, cao, phía trên, bên ngoài
Trong xã hội Tiểu nhân, việc ác, điều tiêu cực Quân tử, việc thiện, điều tích cực

Thuyết Âm Dương thuộc triết học duy vật cổ đại Phương Đông, giải thích sự vận động và biến hóa của vạn vật; dùng để giải thích sự xuất hiện, tồn tại, chuyển hóa lặp đi lặp lại của sự vật, hiện tượng ấy.

 2. Biểu tượng thuyết Âm Dương
 

NHUNG DIEU THU VI VE THUYET AM DUONG-01


Thuyết Âm Dương được biểu hiện thông qua một hình tròn có hai hình cong đối xứng. Hai hình này ôm lấy nhau và được chia thành 2 màu trắng và đen, một phần Âm và một phần Dương. Biểu tượng thuyết Âm Dương bao gồm:
 - Vòng tròn to tượng trưng Thái cực.
 - Nửa trắng là Dương, nửa đen là Âm, gọi là Lưỡng nghi.
 - Đường cong giữa phần đen và tiếp là đường cong Thái cực.
 - Vòng tròn nhỏ trắng trong phần đen là Dương trong Âm (Thiếu Dương); Vòng tròn đen trong phần trắng là Âm trong Dương (Thiếu Âm). Điều này cho thấy, trong Âm có Dương và trong Dương có Âm. Do vậy, không có gì là Dương tuyệt đối, cũng không có gì là Âm tuyệt đối.
 - Đuôi nhỏ phần đen tiếp với đầu lớn phần trắng biểu hiện Dương trưởng Âm tiêu, đuôi nhỏ phần trắng tiếp nối đầu lớn phần đen, biểu hiện Âm trưởng Dương tiêu.
 - Phần trắng và phần đen luôn bằng nhau, biểu hiện Âm Dương luôn cân bằng trong quá trình tiêu trưởng.

 3. Các quy luật cơ bản trong thuyết Âm Dương

NHUNG DIEU THU VI VE THUYET AM DUONG-02


Mọi sự vật cụ thể đều có đồng thời hai thuộc tính Âm, Dương. Điều này có nghĩa là trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, không có gì hoàn toàn Âm hoặc hoàn toàn Dương. Nếu trong một tổng thể lớn, phần mang thuộc tính Dương khác với phần mang thuộc tính Âm, nhưng khi tách thành từng bộ phận thì mỗi phần lại là một tổng hòa Âm Dương mới. Âm Dương gắn bó mật thiết với nhau, vận động và chuyển hóa cho nhau. Âm phát triển đến cùng cực thì chuyển thành Dương, Dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành Âm. 
Ví dụ: Tính tương đối Âm Dương thể hiện giống như thanh nam châm, có một đầu Nam, một đầu Bắc. Tuy nhiên, khi chặt đôi thì mỗi phần lại có cực Nam cực Bắc riêng. Vì vậy, không có phần toàn cực Nam và phần toàn cực Bắc. Cứ như vậy, Âm Dương là giao hòa tương tác, không bao giờ không tồn tại, tuy đối lập nhưng không triệt tiêu nhau. Khi yếu tố này mạnh thì yếu tố kia yếu, nhưng không bao giờ suy đến cạn kiệt hoàn toàn cả.
Theo thuyết Âm Dương, có 4 quy luật cơ bản như sau:
 - Âm dương đối lập 
Đối lập là sự mâu thuẫn, chế ước  và đấu tranh giữa hai mặt Âm Dương. Thuyết Âm Dương cho rằng mọi sự vật đều có hai tính chất khác biệt, đối lập nhau là Âm và Dương.
Ví dụ: Ngày và đêm, nước và lửa, ức chế và hưng phấn.
 - Âm dương hỗ căn
“Hỗ” là tương hỗ, “Căn” là rễ, là gốc. Hỗ căn có nghĩa là tương tác, nương tựa, giúp đỡ, thúc đẩy lẫn nhau trên cùng một gốc. Âm và Dương tuy đối lập nhau nhưng chúng liên kết với nhau để tạo thành một thực thể, không thể thiếu nhau hoặc đứng một mình. Cả hai tính chất này nương tựa vào nhau cùng tồn tại và phát triển.
Ví dụ: Thông thường, trong không gian nhà sẽ phân chia nhiều không gian phòng. Trong đó, phòng khách được coi là nhà chính, còn phòng bếp, phòng đọc sách, ban công... được coi là nhà phụ. Hoặc có chỗ tôn nghiêm như phòng thờ nhưng cũng có chỗ không sạch sẽ, nhiều âm khí, uế khí như phòng vệ sinh. Mặc dù, các phòng trên có chức năng, tính chất trái ngược nhau nhưng chúng hỗ trợ nhau, nhằm đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu sinh hoạt của con người.
 - Âm Dương tiêu trưởng
“Tiêu” là sự mất đi, “Trưởng” là sự phát triển. Âm Dương tiêu trưởng nói lên sự vận động không ngừng, chuyển hóa lẫn nhau giữa hai mặt Âm Dương để duy trì tình trạng thăng bằng tương đối của sự vật.
Ví dụ: Khí hậu bốn mùa trong năm luôn thay đổi từ lạnh sang nóng, từ nóng sang lạnh. Quá trình từ lạnh sang nóng là quá trình "Âm tiêu Dương trưởng"; quá trình từ nóng sang lạnh là quá trình "Dương tiêu Âm trưởng". Do đó, có khí hậu mát, lạnh ấm và nóng.
Vận động của hai mặt âm dương có tính chất giai đoạn, tới mức độ nào đó sẽ chuyển hoá sang nhau gọi là "Dương cực sinh Âm, Âm cực sinh Dương, hàn cực sinh nhiệt, nhiệt cực sinh hàn" như trong quá trình phát triển của bệnh tật.
Ví dụ: Bệnh thuộc phần Dương (như sốt cao) sẽ ảnh hưởng đến phần Âm (như mất nước) hoặc bệnh ở phần Âm (như mất nước, mất điện giải) và tới một mức độ nào đó sẽ ảnh hưởng đến phần Dương còn gọi là thoát Dương (như choáng, trụy mạch).
 - Âm Dương bình hành
Bình hành là cùng vận hành song song với nhau. Tuy vận động theo hướng đối lập, cái này tăng thì cái kia giảm, cái này mất đi thì cái kia xuất hiện nhưng luôn giữ thế thăng bằng, thế quân bình giũa hai mặt Âm Dương.
Ví dụ: Từ 12 giờ đêm thì Dương sinh. Lúc này trời bắt đầu theo xu hướng sáng dần, bóng tối bắt đầu lui dần song song. Giữa trưa, khi Dương cực thì Âm sinh, lúc này khí hậu biến chuyển theo hướng mát dần, ánh sáng nhạt dần.

 4. Ứng dụng thuyết Âm Dương trong đời sống

NHUNG DIEU THU VI VE THUYET AM DUONG-03


 - Giúp luận đoán thiên địa nhân 
Thiên địa nhân ý nói về việc con người luôn bị chi phối bởi Thiên và Địa. Do đó, con người muốn tồn tại và phát triển phải có sự cân bằng giữa bản thân với hai yếu tố còn lại. Nhờ hiểu biết và nắm bắt được quy luật của học thuyết Âm Dương, con người có thể luận đoán chính xác quy luật chuyển hóa của tự nhiên, trời đất. Qua đó, chúng ta tìm ra cách để sinh tồn. 
Ví dụ: Mùa đông thì phải chuẩn bị áo ấm hay nuôi trồng các loại cây có khả năng vượt cơn giá rét. Hoặc biết mùa hè nóng nực nên cần mua mũ tránh nắng, mua điều hòa giảm nhiệt.
 - Giúp luận đoán phương pháp cải vận bổ khuyết 
Trong môn mệnh lý , thuyết âm dương đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt ở thuật cải vận bổ khuyết qua bát tự . Muốn tìm ra phương pháp cải vận, ta cần xem xét rõ ràng Ngũ Hành chân mệnh.
Được biết, thuyết Ngũ Hành về căn bản cũng là một cách biểu thị quy luật đối lập và hỗ căn trong thuyết Âm Dương. Cụ thể:
   • Theo quy luật tương sinh trong ngũ hành thì Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy.
   • Theo quy luật tương khắc trong ngũ hành thì Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy.
Dựa trên sự tương sinh tương khắc của Âm Dương Ngũ Hành, người ta sẽ biết cách cân bằng lại Mệnh Cục . Từ đó, gia chủ sẽ có cuộc sống vui vẻ, thuận lợi.
 - Giúp luận đoán hung cát trong phong thủy số
Phong thủy số là những con số được kết hợp với những thuật toán (thần số học, kinh dịch, du niên, Ngũ Hành, Âm Dương) sao cho logic, tự nhiên, hài hòa theo quy luật của trời đất. Phong thủy số có thể là sim điện thoại, biển số xe máy hoặc ô tô, biển số nhà… Dựa trên thuyết Âm Dương, sẽ luận đoán được hung cát trong phong thủy số. 
Theo thuyết Âm Dương, số 1, 3, 5, 7, 9 thuộc về Dương, gọi là Thiên số. Số 2, 4, 6, 8 thuộc về Âm, gọi là Địa số. Mặt khác, thuyết Ngũ Hành lại cho biết, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa đều từ đất (Thổ) phát sinh. Cho nên số 5 (đại diện cho Thổ) phải được tương phối với 1, 2, 3, 4 mới tạo thành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa. Cụ thể, số 1 là số sinh Thủy, cộng với 5 (số sinh Thổ) thành 6, 6 là số thành Thủy. Kết hợp thuyết Âm Dương Ngũ Hành, ta có bảng sau:
 

NHUNG DIEU THU VI VE THUYET AM DUONG-04


   • Số cát trong Phong thủy:
     o Số 0: Số Âm sẽ thích hợp cho người nữ. Ngược với 0 là số 9 Dương, phù hợp cho người nam.
     o Số 2 (Mãi mãi): Được xem là may mắn bởi vì tượng trưng cho "có đôi có cặp”, thể hiện sự cân bằng Âm – Dương.
     o Số 6 (Lục - Lộc): Số 6 với nét cong vào thân, tượng trưng cho lộc vào nhà. Ngoài ra, lục giác còn được đánh giá là khối vững chãi nhất.
     o Số 8 (Bát - Phát): Số cực kỳ may mắn, tượng trưng “Phát” biểu tượng cho phát đạt, thịnh vượng, giàu có.
     o Số 9 (Cửu - Trường tồn): tượng trưng cho sự vĩnh cữu, là con số của an lành, hạnh phúc, tròn đầy.
   • Số hung trong Phong thủy:
     o Số 1 (Chắc chắn): Con số của các vị thần thánh, chỉ có thần thánh mới nắm giữ được vị trí này mãi mãi. Con người không thể nắm giữ vị trí này lâu dài nên số này luôn đem lại điềm gở.
     o Số 3 (Tài): Đại diện cho 3 giai đoạn trong đời người (sinh ra, hôn nhân, cái chết). Trong đó, cái chết là điều mà con người sợ nhất.
     o Số 4 (Tử): Đây là con số kém may mắn vì trong cách phát âm, số 4 nghe giống "tử" (chết). 
     o Số 5 (Ngũ): Số 5 là số Vua. Ngày xưa những ngày 5, 14 (4 + 1 = 5), 23 (2 + 3 = 5) là những ngày Vua thường ra ngoài nên việc buôn bán bị ảnh hưởng.
     o Số 7 (Thất - Mất): Những người theo đạo Phật tin rằng trong suốt tháng 7 (Âm lịch), linh hồn trên thiên đường và địa ngục sẽ trở lại dương gian.
     o Số 13: Con số hung, mang lại nhiều điềm gở nhất.
     o Số 14: Được coi là con số hung nhất. “1” trong số 14 không đại diện cho sự cô đơn, thay vào đó nó có nghĩa là "đảm bảo". Vì vậy, “14” được hiểu là cái chết được bảo đảm.
(*) Số 10: Số 10 còn có thể viết lại thành số 0. Đây là số vô cực, số vô cực thì có thể không phân biệt là số Âm hay số Dương.
Từ thuyết Âm Dương, ta có thể hiểu được không có gì tuyệt đối, mà nên nương tựa nhau để tồn tại. Với những kiến thức thú vị này, bạn có thể ứng dụng phần nào vào cuộc sống như đoán được hung cát và tìm ra cách sinh tồn, cải vận để cuộc sống luôn vui vẻ, thuận lợi. 

Ghi chú:
(1) Chế ước: Chế là ngăn cản; Ước là gò bó. Chế ước là kìm hãm không cho phát triển.
(2) Đồng hóa, Dị hóa: Đồng hóa và Dị hóa là tập hợp các quá trình trao đổi chất, được xác định chung là chuyển hóa. Đồng hóa là tập hợp các phản ứng liên quan đến tổng hợp các phân tử phức tạp, bắt đầu từ các phân tử nhỏ bên trong cơ thể. Quá trình dị hóa là tập hợp các phản ứng liên quan đến sự phân hủy các phân tử phức tạp như protein, glycogen và triglyceride thành các phân tử đơn giản.
(3) Thiên địa nhân: Thiên là bầu trời, ông Trời, các hiện tượng thiên nhiên; Địa là mặt đất với giới tự nhiên, vạn vật; Nhân là con người, cộng đồng xã hội người.
(4) Cải vận bổ khuyết: Đây là việc bổ sung một số yếu tố nào đó giúp khắc phục nhược điểm trong chân mệnh của mình nhưng phải đảm bảo 3 thuyết “Thuận thiên – Thuận địa – Thuận nhân”.
(5) Mệnh lý: Đây là việc xem hoặc dự đoán vận mệnh của con người có thể thể xảy ra trong tương lai. Trong dự đoán vận mệnh gồm hai phần chính đó là vận và mệnh.
(6) Bát tự: Có nghĩa là 8 chữ hay còn được gọi là Tứ trụ. Đây là một bộ môn nghiên cứu về mệnh lý, bắt nguồn từ thời cổ Trung Quốc. Bát tự dựa vào 4 trụ (Giờ – Ngày – Tháng – Năm sinh) để luận đoán về cuộc đời của một con người từ khi sinh ra cho đến khi qua đời.
(7) Mệnh Cục: Mỗi người có một bản Mệnh. Bản Mệnh là đặc tính thể chất cơ bản của con người đó; còn Cục là thời cuộc mà ta đang sống, hoặc có thể hiểu là môi trường tương quan của bản Mệnh.

Những nội dung trong bài chia sẻ này chỉ nhằm cung cấp thông tin mang tính tham khảo về các vấn đề đang được quan tâm mà không nhằm mục đích cung cấp tư vấn về pháp luật và các dịch vụ chuyên môn khác. Kết quả và ảnh hưởng của việc áp dụng các nội dung chia sẻ có thể khác nhau rất lớn trong những tình huống cụ thể. Do đó, chúng tôi khuyến cáo anh chị không sử dụng những nội dung này để thay thế cho nội dung chuyên môn từ các chuyên gia tư vấn. 

 

Các bài khác liên quan:
- Giải mã thuyết Ngũ Hành trong phong thủy
- Bạn đã biết truyền thuyết về Hà Đồ, Lạc Thư trong phong thủy
- Ngũ Hành có ý nghĩa như thế nào trong đời sống

D.T
 

Đồng Bộ Với Phụ Nữ Mới
On