Bạn đã biết truyền thuyết về hà đồ, lạc thư trong phong thủy?

Submitted by phongdaotao on T6, 12/23/2022 - 09:52

Hà Đồ, Lạc Thư là hai họa đồ được vua Phục Hy và vua Đại Vũ vẽ lại khi nhìn thấy những dấu chấm kỳ lạ trên lưng của Ngựa thần và Rùa thần. Từ đó, mà Tiên Thiên Bát Quái và Hậu Thiên Bát Quái được mô phỏng lại. Để hiểu rõ hơn về Hà Đồ, Lạc Thư cũng như Tiên Thiên Bát Quái, Hậu Thiên Bát Quái và sự khác nhau giữa chúng, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

1. Hà Đồ và các phương vị Tiên Thiên Bát Quá

  - Hà Đồ
Theo truyền thuyết Trung Hoa, cách đây khoảng 4.000 năm, trong lúc tuần thú Phương Nam, đi qua sông Hoàng Hà, vua Phục Hy trông thấy một con Long Mã hiện lên với 55 dấu chấm đen trắng trên lưng. Khi về, Ngài vẽ lại thành một bảng ký hiệu 10 số đếm bằng các chấm đen và trắng, xếp thành hai vòng trong và ngoài, theo đúng 4 phương: Nam, Bắc, Đông, Tây và chính giữa. Bức vẽ này gọi là Hà Đồ, tức là bức vẽ trên sông Hoàng Hà.
Con số trong Hà Đồ có ý nghĩa như sau: 
     •Số Dương (số Cơ) là số lẻ, còn gọi là số Trời (Thiên), được ghi bằng các ṿòng tṛòn trắng, bao gồm các con số 1, 3, 5, 7, 9. Tổng số Dương là 25.
     • Số Âm (số Ngẫu) là số chẵn, còn gọi là số Đất (Địa), được ghi bằng các ṿòng tṛòn màu đen, bao gồm các con số 2, 4, 6, 8, 10. Tổng số Âm là 30.
Do số Âm lớn hơn Dương nên từ đó, người ta luôn gọi là Âm Dương, chứ không nói Dương Âm.
 

Ha_Do_1


  - Tiên Thiên Bát Quái
     • Ý nghĩa của Tiên Thiên Bát Quái
Theo tương truyền, xuất phát từ bức ảnh Hà Đồ, vua Phục Hy đã sáng tạo ra Tiên Thiên Bát Quái. Ngài quan sát muôn vật và nhận thấy rằng tạo hóa đâu đâu cũng có 2 thứ đối nhau, mà hễ hợp lại là gây ra biến đổi. Hai thứ đó là Âm với Dương. Để tượng hình 2 vật ở hai thái cực đó, Ngài vạch một vạch ngang liền là dương, vạch một vạch ngang đứt là âm. Từ đó, Ngài định ra Bát quái đồ .
Thái cực khởi đầu sinh ra lưỡng nghi, tức là Âm và Dương. Lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tức là bốn hình có 2 vạch ngang. Tứ tượng sinh ra bát quái, tức là tám quẻ có 3 vạch. Từ đó, Phục Hy sáng tạo hình Tiên Thiên Bát Quái. Sở dĩ gọi là Tiên thiên, chính là để chỉ thời điểm khi vũ trụ và vạn vật chưa hình thành, vũ trụ vạn vật chính là Hậu thiên do Tiên Thiên biến hóa ra.
Như vậy, Tiên thiên Bát Quái có hình Bát Quái, tượng trưng cho những vật đối nhau như Càn – Khôn, Cấn – Đoài, Tốn – Khảm… và được sắp xếp theo trật tự có tính đối xứng rất rõ. Ví dụ như: Đối xứng với một hào Âm (vạch đứt) sẽ là một hào Dương (vạch liền). Quẻ Càn ở trên cùng gồm 3 hào dương (3 vạch liền) thì đối xứng dưới cùng là quẻ Khôn gồm 3 hào âm (3 vạch đứt).
Sự vận động của Tiên Thiên Bát Quái về mặt hình học là ngược chiều kim đồng hồ, cứ thay thế một hào âm bằng một hào dương (hoặc một hào dương bằng một hào âm) từ trên xuống, sẽ cho quẻ tiếp theo phía bên trái.
     • Phương vị của Tiên Thiên Bát Quái
Tiên Thiên Bát Quái bao gồm Nam Càn, Bắc Khôn, Đông Ly, Tây Khảm, Đông Bắc Chấn, Tây Nam Tốn, Đông Nam Đoài, Tây Bắc Cấn. Trong đó:
      o Càn Khôn đối nhau gọi là Thiên Địa Định Vị (Trời trên, đất dưới định tôn ti).
      o Khảm Ly đối nhau gọi là Thủy Hỏa Bất Tương Xạ (Nước, Lửa không chống đối nhau).
      o Chấn Tốn đối nhau gọi là Lôi Phong Tương Bạc (Gió, Sấm tăng cường hỗ trợ lẫn nhau).
      o Cấn Đoài đối nhau gọi là Sơn Trạch Thông Khí (Núi đầm thông khí tức là Nước trên núi tuôn xuống đầm hồ. Nước đầm hồ bốc lên núi thành mây, thành mưa).

HA_DO_2


Khí của Tiên Thiên là nguồn gốc phát sinh của vạn vật, cũng là nguồn gốc của trường phái phong thủy Lý khí. Bất luận là âm trạch (mồ mả) hay dương trạch (nhà ở), trên bản chất đều lấy Tiên Thiên Bát Quái làm căn cứ.
Do đó, phương vị của Tiên Thiên Bát Quái (trên Nam, dưới Bắc, trái Đông, phải Tây) và phương vị trong bản đồ mà chúng ta sử dụng ngày nay (trên Bắc, dưới Nam, trái Tây, phải Đông) là hoàn toàn tương phản . La bàn phong thủy có “Kim chỉ nam”, so với la bàn ngày nay có “Kim chỉ bắc”.

2. Lạc Thư và các phương vị trong Hậu Thiên Bát Quái 

  - Lạc Thư
Theo truyền thuyết kể lại rằng, vào thời Vua Đại Vũ trị thuỷ, có con rùa thần nổi lên trên sông Lạc, thuộc một nhánh của sông Hoàng Hà. Con rùa này có nhiều dấu chấm kỳ lạ trên lưng. Sau đó, Ngài đã vẽ lại bức hình và đặt tên là Lạc Thư, tức là bức vẽ trên sông Lạc.
 

HA_DO_3


Lạc Thư bao gồm 9 cung, được xếp thành bởi từ số 1 đến số 9 . Và tổng của 3 số theo hàng ngang, hàng dọc, hàng chéo đều là 15. Trong đó, các con số tượng trưng cho: 
     • Số 1 tương ứng Thiếu Dương, còn số 9 là số thái dương, do đó 1 và 9 đối nhau.
     • Số 2 tương ứng Thiếu Âm, còn số 8 là số thiếu âm, do đó 2 và 8 đối nhau.
     • Số 3 tương ứng Thái Dương, còn số 7 là số thiếu dương, do đó số 3 và 7 đối nhau.
     • Số 4 tương ứng Thái Âm, còn số 6 là số thái âm, do đó số 4 và 6 đối nhau.
 

HA_DO_4


Từ đó, Hậu Thiên Bát Quái được vẽ thành từ Lạc Thư, với các Quái như 1 khảm, 2 khôn, 3 chấn, 4 tốn, 5 trung cung, 6 càn, 7 đoài, 8 cấn, 9 ly.
Hà Đồ sinh ra Tiên Thiên Bát Quái, đi theo chiều thuận, nghĩa là thuận với chiều kim đồng hồ, Âm Dương không bao giờ chống đối lẫn nhau. Lạc Thư sinh ra Hậu Thiên Bát Quái, đi theo chiều nghịch, nghĩa là ngược chiều kim đồng hồ, lấy mâu thuẫn, ghen ghét kiềm chế nhau làm cơ bản.
Hà Đồ là Thể , còn Lạc Thư là Dụng ; Hà Đồ chủ Thường, Lạc Thư chủ Biến . Hà Đồ trọng Họp, Lạc Thư trọng Phân . Vuông tròn che chở nhau, Âm Dương ôm ấp nhau, sử dụng tương hỗ lẫn nhau, không thể chia cắt.
  - Hậu Thiên Bát Quái

HA_DO_6


     • Ý nghĩa của Hậu Thiên Bát Quái
Hậu Thiên Bát Quái còn gọi là Văn Vương Bát Quái, tương truyền do vua Văn Vương nhà Chu – Trung Quốc sáng tạo dựa trên Lạc Thư. Hậu Thiên Bát Quái phản ánh trạng thái thực chất của giới tự nhiên và xã hội loài người.
Nếu nói Tiên Thiên Bát Quái là biểu minh cho hiện tượng vũ trụ hình thành thì Hậu Thiên Bát Quái chính là quá trình hình thành con người trong vũ trụ biến đổi thuận theo vạn vật tự nhiên. 
     • Phương vị Hậu Thiên Bát Quái
Phương vị của Hậu Thiên Bát Quái khác với Tiên Thiên Bát Quái, cụ thể là: 
      o Thứ tự của Hậu Thiên Bát Quái là Nam Ly, Bắc Khảm, Đông Chấn, Tây Đoài, Đông Bắc Cấn, Tây Nam Khôn, Đông Nam Tốn, Tây Bắc Càn. 
      o Các quẻ Khảm, Ly, Chấn, Đoài chiếm giữ 4 phương chính là Bắc, Nam, Đông, Tây được gọi là trục Tứ Chính. 
      o Các quẻ Tốn, Khôn, Càn, Cấn nằm ở các phương tương ứng là Đông nam, Tây nam, Tây bắc và Đông bắc được gọi là trục Tứ Duy.
Phương vị Hậu Thiên Bát Quái thể hiện bốn mùa chuyển đổi, tám tiết  biến hóa, chu kỳ lưu hành của vạn vật sinh trưởng, đem tới Âm Dương cùng nhau tồn tại, cùng gốc với nhau, quy luật tương sinh của ngũ hành, mẹ con. Vạn vật sinh ở mùa xuân, trưởng ở mùa hạ, thu hoạch ở mùa thu, cất giữ ở mùa đông, mỗi năm có 360 ngày, mỗi một Quái trong Bát Quái chủ 45 ngày, sự luân chuyển lại dựa theo 8 tiết, mỗi Quái có 3 hào, 3×8 = 24, 24 tiết khí  vậy.

3. Tổng hợp sự khác nhau giữa Tiên Thiên Bát Quái và Hậu Thiên Bát Quái

Tiên Thiên Bát Quái là cố định - vô hình - nội tại, còn Hậu Thiên Bát Quái là chuyển động - hữu hình - khách quan. Vì vậy, Tiên Thiên Bát Quái và Hậu Thiên Bát Quái có sự khác nhau căn bản giữa thứ tự, phương vị, bốn mùa... như sau:
 

HA_DO_6


Hà Đồ, Lạc Thư, Bát Quái là nền tảng cơ bản để cấu thành Kinh dịch, mà Kinh dịch thuở sơ khai dùng để suy đoán điềm lành dữ và được sử dụng nhiều trong thuật phong thủy ngày nay. Hiểu được tổng quan Hà đồ, Lạc thư và phương vị của Tiên Thiên, Hậu Thiên bát quái sẽ giúp bạn phần nào tìm hiểu được sâu hơn các nghiên cứu khác liên quan phong thủy và ứng dụng chúng vào trong cuộc sống.

Chú thích:
(1) Bát quái đồ: Đây là hình ảnh sắp xếp các quẻ bát quái thành một vòng tròn theo một trật tự nhất định. Trong đó, Quái được gọi là quẻ. Sau đó, do âm dương tương giao mà tạo thành tứ tượng sinh Bát Quái bao gồm 8 quẻ: Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn. 
(2) Phương vị Tiên Thiên Bát Quái và phương vị của bản đồ hoàn toàn tương phản: Vì phương Tây dùng la bàn chỉ về hướng Bắc, trong khi quan niệm các thầy địa lý Trung Quốc là luôn nhìn về hướng Nam. Ở đây có sự tương phản là do hệ quy chiếu.
(3) Theo quan niệm của triết học phương Đông cho rằng thế giới hình thành từ hỗn độn (không phân vật chất), sau đó vật chất lắng đọng chia Âm Dương. Dựa theo vòng tròn Âm Dương, trong phần đen (Thái Âm) có vòng trắng nhỏ (Thiếu Dương) tượng trưng cho trong Âm có Dương. Ngược lại, nửa vòng trắng (Thái Dương) có vòng đen (thiếu Âm) tượng trưng cho trong Dương có Âm. 
(4) Hà Đồ là Thế: Theo quan niệm cho rằng, những cái gì trời đất đã tạo ra trước, mình chỉ có thể nghiên cứu hiểu về địa thế rồi ứng dụng nó, chứ người xưa ít khi có thể tác động vào tự nhiên để tạo ra Thế.
(5) Lạc Thư là Dụng: Vì quan sát tạo ra Lạc Thư nên Lạc Thư là kết quả của các sự vận dụng ứng biến sau khi trời đất đã tạo ra; hoặc có thể hiểu là cái gì đã có trước thì mình vận dụng, mình chủ động sắp xếp bố trí được.
(6) Hà Đồ chủ Thường, Lạc Thư chủ Biến: Trong số học, Hà Đồ là Hằng số, còn Lạc Thư là Biến số, có thể biến đổi được.
(7) Hà Đồ trọng hợp, Lạc Thư trọng Phân: Hà Đồ coi trọng việc hợp lại, thống nhất, không chia tách, bất biến. Còn Lạc Thư xem xét biến hóa, ứng dụng, bắt buộc phải cạnh tranh, thay đổi mới giàu lên, mới cải biến hoàn cảnh sống, mới tạo ra cái này cái kia được. Đây là những cái nguyên lý thuộc triết học, liên quan đến hợp rồi tan, tan rồi hợp, tụ lại rồi chia ra, chia ra xong tụ lại, biến đổi không ngừng nhưng vẫn giữ một thể thống nhất.
(8) Tám tiết: Đây là tổng của 4 mùa chính cộng với 4 thời điểm giao mùa.
(9) Tiết khí: Thời điểm giữa mùa, thể hiện rõ nhất đặc trưng của mùa đó.

Những nội dung trong bài chia sẻ này chỉ nhằm cung cấp thông tin mang tính tham khảo về các vấn đề đang được quan tâm mà không nhằm mục đích cung cấp tư vấn về pháp luật và các dịch vụ chuyên môn khác. Kết quả và ảnh hưởng của việc áp dụng các nội dung chia sẻ có thể khác nhau rất lớn trong những tình huống cụ thể. Do đó, chúng tôi khuyến cáo anh chị không sử dụng những nội dung này để thay thế cho nội dung chuyên môn từ các chuyên gia tư vấn. 

D.T
 

Đồng Bộ Với Phụ Nữ Mới
On