Những điều có thể bạn chưa biết về quy hoạch

Submitted by phongdaotao on T3, 12/20/2022 - 02:59

Có thể bạn biết rất nhiều kiến thức về đất dính quy hoạch, quy hoạch treo, cách tra cứu thông tin quy hoạch… Tuy nhiên, bạn đã thực sự biết thế nào là:

   • Quy hoạch; 
   • Các loại quy hoạch; 
   • Chủ thể chịu trách nhiệm quy hoạch; 
   • Cơ sở pháp lý chính cho việc lập quy hoạch; 
   • Quy trình lập quy hoạch; 
   • Thời kỳ quy hoạch; 
   • Mối quan hệ giữa quy hoạch và thị trường Bất động sản chưa? 

Hãy tham khảo ngay bài viết sau đây để có thêm nhiều thông tin thú vị khác liên quan tới quy hoạch có thể bạn chưa biết.

1. Khái niệm quy hoạch
 

DIEU CHUA BIET VE DAT QUY HOACH-01


Theo Luật Quy hoạch 2017, quy hoạch là việc phân bố, sắp xếp các hoạt động và các yếu tố sản xuất, dịch vụ và đời sống trên một địa bàn lãnh thổ (quốc gia, vùng, tỉnh, huyện) cho một mục đích nhất định trong một thời kì trung hạn, dài hạn (có chia các giai đoạn) để cụ thể hoá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên lãnh thổ theo thời gian và là cơ sở để lập các kế hoạch phát triển.

2. Phân loại quy hoạch

Tùy thuộc vào cách thức phân loại, thông thường quy hoạch sẽ chia thành các nhóm như sau: 
- Căn cứ vào đối tượng, có 4 loại quy hoạch như sau:
      • Quy hoạch không gian biển quốc gia: Là việc phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
      • Quy hoạch sử dụng đất quốc gia: Là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
      • Quy hoạch ngành quốc gia: Là quy hoạch theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
      • Quy hoạch đô thị quốc gia: Là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

- Căn cứ vào phạm vi, có 3 loại quy hoạch như sau:
     • Quy hoạch tổng thể quốc gia: Là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
     • Quy hoạch vùng: Là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các tỉnh.
     • Quy hoạch tỉnh: Là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

3. Chủ thể chịu trách nhiệm quy hoạch

Tùy thuộc vào từng công việc cụ thể sẽ có những chủ thể khác nhau chịu những trách nhiệm khác nhau trong quá trình lập quy hoạch.
 3.1 Tổ chức lập quy hoạch
  - Chính phủ: 
     • Quy hoạch tổng thể quốc gia.
     • Quy hoạch không gian biển quốc gia
     • Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
  - Thủ tướng Chính phủ:
     • Quy hoạch vùng.
  - Bộ, cơ quan ngang Bộ:
     • Quy hoạch ngành quốc gia.
  - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
     • Quy hoạch tỉnh.

 3.2 Quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch
  - Quốc hội quyết định:
     • Quy hoạch tổng thể quốc gia. 
     • Quy hoạch không gian biển quốc gia. 
     • Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
  - Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:
     • Quy hoạch ngành quốc gia
     • Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
*Lưu ý: Đối với quy hoạch Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của Quốc hội.

 3.3 Công bố quy hoạch
  - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 
     • Quy hoạch tổng thể quốc gia. 
     • Quy hoạch vùng.
  - Bộ Tài nguyên và Môi trường: 
     • Quy hoạch không gian biển quốc gia
     • Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
  - Bộ, cơ quan ngang Bộ:
     • Quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền tổ chức lập.
  - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: 
     • Quy hoạch tỉnh.
*Lưu ý: Việc công bố quy hoạch phải được đăng tải thường xuyên, liên tục trên trang thông tin điện tử của cơ quan tổ chức lập quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch.

4. Cơ sở pháp lý chính cho việc lập quy hoạch
 

DIEU CHUA BIET VE DAT QUY HOACH-02


Việc tổ chức lập quy hoạch được quy định cụ thể trong hệ thống cơ sở pháp lý chính sau đây:
  - Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14.
  - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, Luật số 28/2018/QH14.
  - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, Luật số 35/2018/QH14.
  - Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch số 01/2018/UBTVQH14.
  - Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
  - Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17/5/2019 hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch.
  - Thông tư số 113/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 quy định về giá trong hoạt động quy hoạch.

5. Quy trình lập quy hoạch

DIEU CHUA BIET VE DAT QUY HOACH-03

*Chú thích viết tắt: 
  - QH: Quy hoạch
  - QG: Quốc gia
  - TTCP: Thủ tướng chính phủ hoặc phó thủ tướng được ủy quyền

Việc tổ chức lập quy hoạch được thực hiện theo nguyên tắc quy hoạch của cấp thấp hơn phải căn cứ vào quy hoạch của cấp cao hơn. Bao gồm 8 bước chính sau đây:
(1)    Phân công cơ quan lập quy hoạch.
(2)    Xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch.
(3)    Thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.
(4)    Lập quy hoạch.
(5)    Thẩm định quy hoạch.
(6)    Quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch.
(7)    Công bố quy hoạch.
(8)    Thực hiện quy hoạch.

6. Thời kỳ quy hoạch

- Theo Luật Quy hoạch 2017, thời kỳ quy hoạch là khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế – xã hội cho việc lập quy hoạch. Tùy vào mục đích và phạm vi quy hoạch mà thời kỳ quy hoạch là khác nhau. 
- Do không còn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã/ phường, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện/ quận là căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Do đó, tại điều 37 Luật Đất đai quy định: 
     • Kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm.
     • Kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh là 05 năm. Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm.

7. Mối quan hệ giữa quy hoạch và thị trường bất động sản
 

DIEU CHUA BIET VE DAT QUY HOACH-04


Quy hoạch và thị trường bất động sản có mối quan hệ tương sinh (mật thiết, khăng khít, đôi bên cùng có lợi). Việc phát triển các dự án bất động sản phải phù hợp với quy hoạch của vùng. Tuy nhiên, nếu quy hoạch không phù hợp với tình hình thực tế, lợi nhuận từ các dự án đầu tư bất động sản không như kỳ vọng thì khu vực đó cũng khó có thể phát triển. Ngược lại, một khu vực hoặc một dự án bất động sản mang lại lợi nhuận lớn nhưng không phù hợp với quy hoạch được duyệt, có nguy cơ gây tổn hại đến chất lượng không gian đô thị thì cũng sẽ bị xử lý. 
Bên cạnh đó, mối quan hệ này có thể xảy ra mâu thuẫn do quy hoạch và thị trường bất động sản quan tâm tới các yếu tố khác nhau:
     • Quy hoạch: Bảo đảm diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị, công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật được xây dựng; Bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp hoặc tái thiết cơ sở hạ tầng nhằm phát triển đô thị hiện đại. 
     • Thị trường BĐS: Tìm Kiếm lợi nhuận trong việc phát triển một khu vực nhất định, trong thời hạn nhất định thuộc giai đoạn nào đó của quy hoạch; loại bỏ các nhu cầu sử dụng đất kém giá trị.

Mời bạn tìm đọc thêm các nội dung khác liên quan tới quy hoạch theo đường link bên dưới:
- 7 khái niệm phổ biến liên quan đến quy hoạch
- 6 loại bản đồ quy hoạch bạn nhất định phải biết
- 5 thắc mắc thường gặp về đất quy hoạch
- Ký hiệu và màu sắc các loại đất trên bản đồ quy hoạch 
- Hướng dẫn tra cứu trực tuyến quy hoạch BĐS toàn quốc Phần 1: Sử dụng các trang thông tin do nhà nước quản lý
- Hướng dẫn tra cứu trực tuyến quy hoạch BĐS toàn quốc Phần 2: Sử dụng các trang web/ ứng dụng phổ biến

Tài liệu này mang tính chất tham khảo. Thực tế có thể thay đổi tùy thuộc vào tình huống cụ thể và theo quy định pháp luật tại từng thời điểm.
 

 

D.T
 

Đồng Bộ Với Phụ Nữ Mới
On