
Phát triển là quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của một sự vật, sự việc. Nghề môi giới BĐS cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Nghề môi giới BĐS được hình thành và phát triển qua 4 thời kỳ.
Thời kỳ 1.0 (1993-2003) giai đoạn này gắn liền với sự phát triển chậm của nghề môi giới. Bởi giai đoạn này, người mua BĐS hầu như chỉ phục vụ nhu cầu ở, không có quá nhiều khách niệm về tích sản hay đầu tư. Hẳn các bạn sẽ nhớ đến những câu chuyện của ba mẹ bạn khi quyết định lựa chọn mua một chiếc xe Dream hay một miếng đất có giá tương đương. Tin tôi đi, chiếc xe Dream đó vẫn còn ở nhà bạn, còn miếng đất đó thì có người đang rao bán bằng giá chiếc ô tô nhập rồi. Nói vậy để thấy rằng, nghề môi giới thời kỳ sơ khai này còn ít, không có quá nhiều nghiệp vụ, và cũng không có quá nhiều người làm môi giới trong giai đoạn này.
Thời kỳ 2.0 (2003 – 2009) giai đoạn này gắn liền với nhiều sự kiện Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, đánh dấu nhiều dự án phát triển rực rỡ, các khu dân cư hình thành và phát triển, các tòa nhà cao tầng đầy ấn tượng. Sau luật đất đai 2003, cũng như xu hướng tập trung phát triển kinh tế vào thời điểm đó đã biến các đô thị lớn trở thành sân chơi kinh tế mở rộng. Đi đâu cũng thấy các anh chị sale nhìn rất oai, thậm chí, nếu nói về độ nóng, chỉ cần nói bạn đang theo học ngành quản trị kinh doanh thôi cũng đã thấy ngầu như Thần bài Châu Tinh Trì vậy. Thời điểm này, môi giới bất động sản đã có những công cụ trực tiếp để tư vấn, từ catologe, tờ rơi, đến các nhà mẫu, bài tư vấn…giúp nghề môi giới phát triển mạnh và thị trường bất động sản luôn giữ nhịp sôi động. Đến 2008, khi khủng hoàng tài chính bắt đầu tác động lên nền kinh tế Việt Nam, có nhiều chuyển biến hơn trong ngành bất động sản. Đến năm 2009, khi thị trường đang lạnh dần, nghề môi giới xuất hiện khủng hoảng thừa và trải qua một đợt đào thải lớn.
Thời kỳ 3.0 (2009-2015) giai đoạn này đánh dấu nốt trầm của bất động sản với hiện tượng giá các căn hộ, chung cư không hấp dẫn người mua; một số CĐT đã rút khỏi thị trường, các anh chị sale cũng chuyển sang một ngành nghề khác (hot nhất thời điểm này chắc là sale tài chính – ngân hàng). Đặt tên là thời kỳ 3.0 cho hợp khung thời gian thôi chứ tôi thấy giai đoạn này buôn bán rất khó khăn. Một số CĐT thành công nhờ đi theo dòng sản phẩm giá rẻ, chất lượng phù hợp, nhưng thị trường thì khá vô chừng. Chắc hẳn ai cũng nhớ về ký ức các anh chị môi giới đêm về đi treo phướn cột điện, dán tờ rơi khắp hẻm, khu phố, kẹp tờ rơi vào các trang báo buổi sáng, hay dậy sớm để vừa chạy bộ với người dân vừa phát tờ rơi…Thời gian này gắn liền với một kênh tìm kiếm khách hàng nhanh nhất là salephone. Nhưng giá data thời gian này rất cao, môi giới gọi một data thậm chí phải gọi hơn chục lần với nhiều kịch bản, phần vì tiếc tiền mua, phần vì muốn khai thác hết thông tin khách hàng. Mãi tới những năm cuối giai đoạn này (2014-2016) thì bắt đầu con đường internet: Đăng tin. Các nền tảng đăng tin ra đời giúp anh chị môi giới tìm kiếm khách hàng linh động hơn, từ đó giá data cũng được hạ xuống, việc salephone cũng trở nên dễ thở hơn, chi phí được giảm nhẹ hơn.
Thời kỳ 4.0 (2016 đến nay) gắn liền với nhiều sự thay đổi về công nghệ. Nhiều trang web về dự án BĐS hơn, nhiều nền tảng đăng tin BĐS, sự ra đời của nhiều group cư dân trên mạng xã hội…dần đến xu hướng kiểm tra thông tin về sản phẩm BĐS trước khi quyết định mua hàng. Hay thậm chí dễ thấy hơn là nhiều sản phẩm video từ công nghệ quay flycam để thu hút khách hàng nhiều hơn... Dưới sự ảnh hưởng lớn từ sự phát triển các không gian mạng (web, blog, mạng xã hội,…), bất động sản rẽ theo hướng chuyên nghiệp hóa, minh bạch thông tin, đa chiều, đa kênh,…trên các nền tảng. Một số Proptech cũng ra đời nhằm phục vụ tính đa dạng thông tin, tính xác thực thông tin, cũng như là kênh phân bổ sản phẩm bất động sản. Môi giới và khách hàng ngày nay có thể lên các trang mạng, các nền tảng Proptech, các nền tảng web khác nhau để tìm kiếm thông tin về sản phẩm, giá bán, review đánh giá sản phẩm một cách khách quan, minh bạch, đa chiều…Thậm chí, môi giới và khách hàng cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhau hơn thông qua việc tìm hiểu thông tin trên cùng một nền tảng. Từ đó, việc phát sinh giao dịch cũng sẽ trở nên thuận lợi hơn. Ở một nền tảng bất kỳ, nếu bạn gây dựng được thương hiệu cá nhân, bạn rất dễ có lượng khách hàng tiếp cận và mua hàng.
Nhìn chung, qua các thời kỳ, dù hưng vượng hay khó khăn, môi giới cũng phải hoàn thành trách nhiệm tư vấn thông tin, cung cấp giá trị bản thân, giá trị bất động sản,…phù hợp và chốt giao dịch. Có thể thời kỳ đầu phải marketing trực tiếp, vất vả hơn, tốn sức hơn, thì thời điểm hiện tại ít đi lại hơn, nhưng ngồi nhiều hơn, sử dụng máy tính nhiều hơn…Có chăng là sự thay đổi về công cụ lao động và tư duy nghề nghiệp. Thực tế mà nói, để mua hàng từ một bạn không biết gì, ấp a ấp úng thì sẽ khó hơn là mua từ một bạn chuyên nghiệp, có trình độ, có sự am hiểu về nghề bất động sản…đúng không nhỉ?
Hãy xây cho mình một nhân hiệu, dù là trên web, trên facebook, trên youtube, trên tiktok,…hay trên proptech (housezy, MGI, Topenland,…). Bất kỳ kênh nào bạn cũng cần phải có dấu ấn cá nhân của bạn. Khách hàng có quyền lựa chọn môi giới và sẽ tham gia nhiều nền tảng để có được thông tin đa chiều? Vấn đề là bạn có đang hiện diện ở những nền tảng đó để hòa cùng hệ sinh thái bất động sản đó không? Họ đang follow bạn đó, chỉ chờ bạn thể hiện đúng giá trị mà họ đang cần.
Chúc mọi người thành công!
D.T