Theo thuyết Ngũ Hành, vạn vật trong hành tinh đều được tạo ra từ 5 loại vật chất chính: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Các yếu tố này đều có sự ảnh hưởng tác động qua lại lẫn nhau và có những đặc thù riêng. Hiện nay, thuyết Ngũ Hành được áp dụng rộng rãi trong phong thủy nhà ở như mua đất, xây nhà, tạo dựng không gian sống… để mang lại sức khỏe, tài lộc, may mắn & hạnh phúc. Vậy cụ thể Ngũ Hành là gì? Ứng dụng của Ngũ Hành vào phong thủy nhà ở ra sao? Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về thuyết Ngũ Hành là gì; Các tính chất và quy luật của Ngũ Hành; Ứng dụng của thuyết Ngũ Hành trong phong thủy nhà ở.
1. Thuyết Ngũ Hành là gì?
Thuyết Ngũ Hành xuất hiện từ đời nhà Tần – Trung Quốc (200 TCN) và được củng cố, phát triển thêm trong thời Tây Hán. Trong đó, “Ngũ” tức là năm, còn “Hành” là vận động, đi. Thuyết này cụ thể hóa Thuyết Âm Dương, đi sâu giải thích bản thể của vũ trụ, của thế giới; trong đó Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là năm chất căn bản đầu tiên tạo ra thế giới, tạo ra vũ trụ. Từ đó, có thể hiểu rằng Thuyết Ngũ Hành là một học thuyết về mối quan hệ giữa các sự vật hiện tượng, có Tương sinh và Tương khắc.
2. Các quy luật của Ngũ hành:
❖ Ngũ hành tương sinh, tương khắc:
Ngũ hành tương sinh, ngũ hành tương khắc chính là 2 mặt của một vấn đề. 2 yếu tố này tồn tại độc lập với nhau nhưng lại liên quan mật thiết với nhau. Cụ thể, trong tương sinh sẽ luôn xuất hiện mầm mống của tương khắc và ngược lại. Đây là nguyên lý cơ bản để duy trì sự sống, sự tồn tại của mọi sự vật, sự việc hiện hữu.
- Tương sinh: “Sinh” có nghĩa là nuôi dưỡng, giúp đỡ. Ngũ Hành tương sinh là những mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau, dựa vào nhau để tồn tại và phát triển. 2 phương diện của Ngũ Hành tương sinh đó chính là “cái sinh ra nó và cái nó sinh ra”. Đây được coi là quy luật mẫu và tử. Cụ thể nguyên lý của Quy luật tương sinh trong phong thủy như sau:
• Mộc sinh Hỏa: củi khô (hành Mộc) khi đốt cháy sẽ tạo ra lửa (hành Hỏa).
• Hỏa sinh Thổ: lửa (hành Hỏa) đốt cháy vật chất sẽ khiến chúng trở thành tro bụi, trở về với đất (hành Thổ).
• Thổ sinh Kim: đất (hành Thổ) chính là nơi lưu giữ kim loại (hành Kim).
• Kim sinh Thủy: kim loại (hành Kim) khi được nung nóng sẽ chuyển sang thể lỏng (hành Thủy).
• Thủy sinh Mộc: nước (hành Thủy) chính là nguyên liệu để duy trì sự sống và giúp cây cối (hành Mộc) phát triển, sinh sôi nảy nở.
- Tương khắc: “Khắc” có nghĩa là ức chế, ngăn trở. Giữa Ngũ Hành có mối quan hệ ức chế nhau để giữ thế quân bình, đó là quan hệ Tương khắc. Sự tương khắc này bao gồm 2 mối quan hệ. Đó là cái khắc nó và cái nó khắc. Từ đó tạo ra nguyên lý của quy luật tương khắc như sau:
• Thủy khắc Hỏa: Nước sẽ dập tắt lửa. Khi gặp nước, lửa chỉ có lụi tàn.
• Hỏa khắc Kim: Khi gặp lửa lớn, mọi loại kim loại sẽ đều bị nung đến tan chảy, không thể nguyên vẹn hình hài ban đầu.
• Kim khắc Mộc: Kim loại chính là nguyên liệu rèn dao, rèn rìu, đốn đổ cây cối, hủy hoại sự sống.
• Mộc khắc Thổ: Cây cối sẽ hút hết dưỡng chất từ lòng đất khiến cho đất đai khô cằn.
• Thổ khắc Thủy: Đất sẽ hút nước, sẽ làm cản trở dòng chảy của nước.
Sự kết hợp hài hòa giữa tương sinh với tương khắc sẽ giúp cho hệ vật chất được cân bằng, vũ trụ duy trì được trạng thái tồn tại và vận động một cách tối ưu nhất.
❖ Ngũ hành phản sinh, phản khắc:
Ngoài ngũ hành tương sinh, tương khắc thì quy luật phản sinh, phản khắc cũng liên quan và tác động mật thiết đến vạn vật trong vũ trụ. Cụ thể như sau:
- Phản sinh:
Tương sinh là quy luật phát triển của vạn vật, nhưng nếu sinh nhiều quá đôi khi lại trở thành tai hại không lường trước được, gọi là phản sinh. Ví dụ chúng ta dùng củi khô để tạo ra lửa đun nấu đồ ăn, nhưng nếu quá nhiều củi khô sẽ dễ gây cháy, ảnh hưởng đến con người và tài sản. Do đó, nguyên lý của Ngũ hành phản sinh là:
• Kim cần có Thổ sinh, nhưng Thổ nhiều thì Kim bị vùi lấp.
• Thổ cần có Hỏa sinh, nhưng Hỏa nhiều thì Thổ thành than.
• Hỏa cần có Mộc sinh, nhưng Mộc nhiều thì Hỏa bị nghẹt.
• Mộc cần có Thủy sinh, nhưng Thủy nhiều thì Mộc bị trôi dạt.
• Thủy cần có Kim sinh, nhưng Kim nhiều thì Thủy bị đục.
- Phản khắc
Tương tự như quy luật phản sinh, trong quy luật tương khắc cũng sẽ có phản khắc. Nghĩa là khi cái nó khắc có nội lực quá lớn sẽ khiến cho nó không còn khả năng khắc nữa mà bị tổn thương, gây nên sự phản khắc. Nguyên lý của Ngũ hành phản khắc là:
• Kim khắc được Mộc, nhưng Mộc cứng thì Kim bị gãy.
• Mộc khắc được Thổ, nhưng Thổ nhiều thì Mộc bị gầy yếu.
• Thổ khắc được Thủy, nhưng Thủy nhiều thì Thổ bị trôi dạt.
• Thủy khắc được Hỏa, nhưng Hỏa nhiều thì Thủy phải cạn.
• Hỏa khắc được Kim, nhưng Kim nhiều thì Hỏa sẽ tắt.
❖ Tương thừa, tương vũ:
Liên quan tới ngũ hành, các quy luật về tương sinh - tương khắc, quy luật phản sinh – phản khắc, quy luật tương thừa - tương vũ cũng được đề cập và nhắc đến. Nói một cách nôm na, quan hệ tương thừa - tương vũ liên quan đến chủ yếu đến quan hệ tương khắc, khi khắc quá mạnh (tương thừa) và khắc quá yếu (tương khắc).
- Tương thừa: “Thừa” có nghĩa là thừa thế lấn áp. Tương thừa là quan hệ tương khắc không bình thường: Mạnh quá sẽ lấn yếu.
• Một hành nào đó, nếu quá mạnh sẽ khắc hành bị nó khắc mạnh hơn.
Ví dụ: Bình thường, Can Mộc khắc Tỳ Thổ, vì giận dữ, làm Mộc gia tăng nhiều hơn sẽ khắc thổ nhiều hơn bình thường gây bụng đau, bao tử loét... Khi điều chỉnh, phải điều chỉnh ở Can Mộc.
• Ngược lại, nếu nó quá yếu sẽ bị khắc chế mạnh hơn bởi hành khắc được nó.
Ví dụ: Trong chứng Lao Phổi, người bệnh hay sốt về chiều, phổi bệnh do Phế Kim suy yếu, theo Ngũ hành, Hỏa khắc Kim, nay Kim suy yếu, Hỏa nhân cơ hội Kim suy, khắc mạnh hơn gây sốt kéo dài, nhất là từ trưa đến chiều tối (là giờ của Hỏa vượng, Kim suy). Khi điều trị, chủ yếu phải điều trị ở Phế Kim chứ không phải ở Tâm Hỏa, cho dù có dấu hiệu của Tâm hỏa.
- Tương vũ: “Vũ” có nghĩa là khinh hờn. Đây cũng là 1 quan hệ tương khắc không bình thường, yếu chống lại mạnh.
• Một hành nào đó, nếu mạnh quá, sẽ ức chế ngược lại hành khắc được nó.
Ví dụ: Bình thường thì Thủy khắc Hỏa. Trong trường hợp bị trúng nắng, sức nóng (nhiệt) bên ngoài làm cho Hỏa khí bị kéo theo, mạnh hơn, bùng lên, khắc ngược lại Thủy làm cho Thủy suy, gây đổ mồ hôi, sợ lạnh... Khi điều trị, phải điều chỉnh ở Hỏa chứ không phải ở Thủy.
• Ngược lại, nếu nó quá yếu, sẽ bị hành mà nó khắc trở nên khắc ngược lại nó.
Ví dụ: Trong trường hợp Trụy Mạch, Hỏa suy kém gây lạnh người, huyết áp thấp, Kim nhân cơ hội Hỏa suy, bùng lên khắc ngược trở lại Hỏa, làm cho thở nhanh hơn, tim đập chậm hơn, có khi gây ngưng đập.
3. Ứng dụng của Thuyết Ngũ Hành trong phong thủy nhà ở
Thuyết Ngũ Hành có ảnh hưởng không nhỏ đến phong thủy nhà cửa, từ việc chọn hướng nhà, hướng phòng, màu sắc nhà cửa, cho tới số tầng. Tùy theo từng bản mệnh mà chúng ta cần chú ý chọn hướng nhà, màu sắc, chất liệu nội thất, đồ trang trí cho phù hợp.
Trên đây là một số quy luật của Ngũ hành và ứng dụng thuyết Ngũ Hành trong cuộc sống. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về Thuyết Ngũ Hành và vận dụng thành công thuyết Ngũ Hành vào việc chọn hướng nhà, màu sắc và nội thất trang trí.
Những nội dung trong bài chia sẻ này chỉ nhằm cung cấp thông tin mang tính tham khảo về các vấn đề đang được quan tâm mà không nhằm mục đích cung cấp tư vấn về pháp luật và các dịch vụ chuyên môn khác. Kết quả và ảnh hưởng của việc áp dụng các nội dung chia sẻ có thể khác nhau rất lớn trong những tình huống cụ thể. Do đó, chúng tôi khuyến cáo anh chị không sử dụng những nội dung này để thay thế cho nội dung chuyên môn từ các chuyên gia tư vấn.
D.T