Giới chuyên gia kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường BĐS năm 2023

Submitted by huyen.dothithanh on T5, 11/24/2022 - 04:10

Dù khó khăn, thị trường bất động sản không rơi vào trạng thái “bong bóng” mà chỉ suy giảm, chênh ở một số phân khúc về tỷ lệ hấp thụ. Theo dự báo của các chuyên gia, trong Quý IV/2022 thị trường sẽ tiếp tục có điều chỉnh, dần lấy lại sự khởi sắc để ổn định vào năm 2023.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, bất động sản (BĐS) hiện có sự trầm lắng nhưng không vì vậy mà “đóng băng”. Sự trầm lắng của thị trường đến một phần từ khoảng thời gian quá nóng của bất động sản. Hiện tại Nhà nước đang lập lại sự ổn định, minh bạch cho thị trường bất động sản bằng chính sách điều hành. Vị chuyên gia này đánh giá tín hiệu tích cực từ sự điều chỉnh của Nhà nước. Chính bởi vậy, ông dự báo, chỉ đầu năm 2023, thị trường còn khó khăn nhưng đến nửa sau, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi.

Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện NC Tin học & Kinh tế ứng dụng cho biết, Nhà nước đang từng bước “cứu” thị trường bất động sản thông qua việc ổn định chính sách tiền tệ, tránh việc đầu cơ, kẹt vào trái phiếu bất động sản. Những biện pháp của nhà nước trong năm 2022 về Tài chính - Ngân hàng đối với ngành bất động sản đang giúp thị trường trở lại sự lành mạnh cần có.

Thị trường có nhiều khởi sắc

Cuối năm 2022, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc hơn so với thời điểm hiện tại. Nguồn ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, ông hy vọng năm 2023, thị trường tài chính sẽ phục hồi trở lại, để các nguồn vốn tiếp tục chảy vào bất động sản, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng và hướng tới phát triển bền vững hơn.

Lý giải cho nhận định này, ông Hà nói, ở quý đầu năm, Chính phủ sẽ có những động thái tháo gỡ mạnh mẽ hơn, đồng thời room tín dụng được mở ra trở lại để các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay; các doanh nghiệp cũng sẽ dần làm quen, thích nghi với những quy định mới về phát hành trái phiếu. Như vậy, thị trường bất động sản sẽ có thêm các nguồn cung tiền tệ để tạo đà phát triển trở lại.

Những tháng cuối năm thị trường sẽ có thời cơ và thách thức đan xen. Thời cơ là vì nhu cầu về bất động sản còn rất lớn, nhất là bất động sản nhà ở. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt khoảng 40%, nhưng mỗi năm con số này tăng 1%, tương đương khoảng 1 triệu người cần có nhà ở. Mặt khác, thời điểm cuối năm cũng là lúc các doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng; người mua cũng thường chờ dịp này, sau khi nhận lương nhận thưởng, có thêm thu nhập để xuống tiền mua bất động sản.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn như rút ngắn trình tự thủ tục đầu tư; xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách thông qua việc sửa đổi các luật cơ bản, nền tảng của thị trường như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Do đó, những vướng mắc về pháp lý của các dự án trong thời gian tới chắc chắn sẽ được tháo gỡ nhanh hơn. Tuy nhiên, thị trường bất động sản cũng đang đứng trước thách thức rất lớn do các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay tăng cao (trung bình hiện đang ở mức 12 - 14%)

Dưới góc nhìn kinh tế, chuyên gia Kinh tế Trần Nguyên Đán -  giảng viên Trường đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng, hiện tại, giá BĐS đang tăng cao nhưng giao dịch bước đầu cũng chưa khả quan. Bởi về nguyên tắc, giá chỉ tăng khi nhu cầu mua tăng, có thể trong những tháng cận Tết 2023 mới đánh giá được nhu cầu, sức mua của khách hàng. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp mạnh hơn nhằm giúp thị trường BĐS minh bạch hơn nữa, để cung - cầu đồng nhất; đồng thời, cần có giải pháp căn cơ chặn đà tăng ảo giá BĐS trong thời gian tới.

Giám đốc Khối kinh doanh Batdongsan.com.vn Lê Đình Hảo nhận định, Quý IV/2022 khả năng thanh khoản trên thị trường vẫn chậm nhưng tới cuối quý các chỉ báo sẽ tốt hơn. Nguyên nhân vì trong quý cuối cùng của năm, các dòng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thường đổ vào bất động sản, hơn nữa đầu tư công, vốn FDI cũng thường được đẩy mạnh vào thời gian này. Kiều hối đổ về nước dự kiến năm nay thu hút 14-16 tỷ USD là trợ lực dòng tiền giúp thị trường cuối năm có thanh khoản tốt hơn.

T.H

Article Sub Type
Kiến thức chung
Đồng Bộ Với Phụ Nữ Mới
On