Thị trường bất động sản kỳ vọng từ dòng vốn FDI

Submitted by huyen.dothithanh on T4, 11/16/2022 - 04:35

Trong bối cảnh các nguồn vốn cho thị trường bất động sản gặp khó, dòng vốn FDI được kỳ vọng là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước.

von-FDI

Kỳ vọng thị trường bất động sản từ dòng vốn ngoại (Nguồn: TTXVN)

Giai đoạn đầy thử thách

Hiện nay, tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là những dòng vốn chính trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cho đến nay, 2 trong 3 dòng vốn này đang có dấu hiệu chững lại.

Trong Quý III/2022, các nguồn vốn bao gồm nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu dành cho lĩnh vực bất động sản đều gặp khó khăn và sụt giảm so với các quý trước. Với việc kiểm soát chặt chẽ thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu nên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án, theo thông tin từ Bộ Xây dựng.

Đại diện Savills Việt Nam cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có những nỗ lực cụ thể trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định môi trường kinh tế, từ đó định hướng tăng trưởng một cách lành mạnh và bền vững hơn trong trung và dài hạn.

Việc Chính phủ chủ động siết chặt các kênh huy động vốn như trái phiếu, tín dụng sẽ có những tác động ngắn hạn nhất định đến nhiều ngành nghề kinh doanh, sản xuất và dịch vụ trong nước, trong đó có bất động sản. Đổi lại, chúng ta sẽ thấy một thị trường tài chính minh bạch, tăng uy tín trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, vị đại diện cũng cho rằng việc siết chặt các kênh huy động đã giới hạn khả năng tiếp cận nguồn vốn trong nước của các doanh nghiệp bất động sản

Bên cạnh vấn đề về nguồn vốn, các doanh nghiệp bất động sản còn phải đối mặt với nhiều trở ngại khác như vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ và chi phí xây dựng.

Kỳ vọng từ dòng vốn ngoại

Theo Báo cáo Thị trường Bất động sản Quý III/2022 của TopenLand Việt Nam, số vốn FDI thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua, đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo cũng ghi nhận vốn FDI đến nhiều nhất từ các quốc gia Châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc chiếm khoảng 51% tổng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022. Trong đó Hàn Quốc có số dự án cấp mới cao nhất với 290 dự án.

Dòng vốn FDI chảy mạnh vào các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Trong số đó, TP.HCM có số dự án cấp mới cao nhất với 567 dự án. Tại khu vực miền Bắc, số dự án từ vốn FDI tập trung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng và Bắc Giang.

Trong đó, vốn FDI đăng kí vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu, đạt 11,4 tỷ USD, chiếm 74%, tiếp đó là kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 2,23 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư, tăng mạnh so với cùng kì năm ngoái.

Theo đánh giá từ các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng sẽ tiếp tục được cải thiện khi Việt Nam trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch Covid-19.

Ở góc độ các doanh nghiệp, đại diện Savills Việt Nam cũng cho biết các chủ đầu tư cần tìm những giải pháp bền vững với bức tranh dài hạn.

Doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ trong khâu tư vấn đầu tư và mạng lưới kết nối rộng khắp để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu hút nguồn vốn, tìm nhà đầu tư phù hợp và gắn kết lợi ích của các bên.

N.H

Article Sub Type
Kiến thức chung
Đồng Bộ Với Phụ Nữ Mới
On