Mỗi khu đất sẽ có những đặc trưng và giá trị riêng tùy thuộc tính pháp lý khu đất đó. Để xác định tính pháp lý của một khu đất cụ thể và hạn chế rủi ro khi “đổ tiền” vào bất động sản, trước tiên bạn cần biết cách đọc bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Trong phần chia sẻ dưới đây, TopenLand sẽ giúp bạn hiểu được tại sao phải đọc hiểu các ký hiệu, màu sắc các loại đất; xác định được ký hiệu nào, nhóm màu nào quy định cho loại đất nào; và cách tra nhanh các ký hiệu, màu sắc này.
1. Tại sao phải đọc hiểu ký hiệu và màu sắc các loại đất?
Ký hiệu các loại đất trên bản đồ quy hoạch hoặc trên sổ hồng, sổ đỏ là các ký hiệu được Cơ quan Nhà Nước mã hóa để thống kê, kiểm kê các diện tích đất đai từng địa phương trên cả nước. Ngoài ra, việc hiểu rõ các ký hiệu đất này còn giúp chủ sở hữu đất đảm bảo được quyền, nghĩa vụ của mình.
Cụ thể như:
- Xác định thuế: Mỗi loại đất được sử dụng trong các mục đích khác nhau sẽ có các loại thuế phải nộp khác nhau. Nhờ đó, cơ quan thuế có thể xác định thuế cho người sử dụng đất để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.
- Giải quyết tranh chấp: Việc tranh chấp đất là việc có thể xảy ra nếu không có các xác nhận pháp lý cụ thể. Do đó, ký hiệu loại đất là căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai nếu xảy ra.
- Xác định mục đích sử dụng đất: Việc ký hiệu màu sắc trong bản đồ quy hoạch giúp dễ dàng xác định mục đích sử dụng đất. Từ đó làm căn cứ để xác định điều kiện cấp chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thu hồi đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nếu cần.
- Bồi thường khi cần thiết: Nhà nước sẽ dựa vào các ký hiệu trên bản đồ quy hoạch để xác định thu hồi và xác định giá đất bồi thường theo từng loại đất cụ thể.
2. Ký hiệu của các loại đất
Theo Điều 10 Luật đất đai 2013 và Phụ lục 01 TT 55/2013/TT-BTNMT, căn cứ vào mục đích sử dụng đất, đất được phân loại thành 3 nhóm chính:
- Đất nông nghiệp: Đất sử dụng cho các mục đích sản xuất nông nghiệp.
- Đất phi nông nghiệp: Đất sử dụng cho các mục đích không phải nông nghiệp.
- Đất chưa sử dụng: Đất chưa được nhà nước đưa vào sử dụng.
Theo điểm 13 mục III của Phụ lục số 01 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT năm 2014 quy định về bản đồ địa chính, các mã ký hiệu các loại đất được thể hiện như sau:
STT | Loại đất | Mã |
I | KÝ HIỆU NHÓM ĐẤT NÔNG NGHIỆP | |
1 | Đất chuyên trồng lúa nước | LUC |
2 | Đất trồng lúa nước còn lại | LUK |
3 | Đất lúa nương | LUN |
4 | Đất bằng trồng cây hàng năm khác | BHK |
5 | Đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác | NHK |
6 | Đất trồng cây lâu năm | CLN |
7 | Đất rừng sản xuất | RSX |
8 | Đất rừng phòng hộ | RPH |
9 | Đất rừng đặc dụng | RDD |
10 | Đất nuôi trồng thủy sản | NTS |
11 | Đất làm muối | LMU |
12 | Đất nông nghiệp khác | NKH |
II | KÝ HIỆU ĐẤT THỔ CƯ - ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP | |
1 | Đất ở tại nông thôn | ONT |
2 | Đất ở tại đô thị | ODT |
3 | Đất xây dựng trụ sở cơ quan | TSC |
4 | Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp | DTS |
5 | Đất xây dựng cơ sở văn hóa | DVH |
6 | Đất xây dựng cơ sở y tế | DYT |
7 | Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo | DGD |
8 | Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao | DTT |
9 | Đất xây dựng cơ sở khoa học và công nghệ | DKH |
10 | Đất xây dựng cơ sở dịch vụ xã hội | DXH |
11 | Đất xây dựng cơ sở ngoại giao | DNG |
12 | Đất xây dựng công trình sự nghiệp khác | DSK |
13 | Đất quốc phòng | CQP |
14 | Đất an ninh | CAN |
15 | Đất khu công nghiệp | SKK |
16 | Đất khu chế xuất | SKT |
17 | Đất cụm công nghiệp | SKN |
18 | Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp | SKC |
19 | Đất thương mại, dịch vụ | TMD |
20 | Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản | SKS |
21 | Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm | SKX |
22 | Đất giao thông | DGT |
23 | Đất thủy lợi | DTL |
24 | Đất công trình năng lượng | DNL |
25 | Đất công trình bưu chính, viễn thông | DBV |
26 | Đất sinh hoạt cộng đồng | DSH |
27 | Đất khu vui chơi, giải trí công cộng | DKV |
28 | Đất chợ | DCH |
29 | Đất có di tích lịch sử - văn hóa | DDT |
30 | Đất danh lam thắng cảnh | DDL |
31 | Đất bãi thải, xử lý chất thải | DRA |
32 | Đất công trình công cộng khác | DCK |
33 | Đất cơ sở tôn giáo | TON |
34 | Đất cơ sở tín ngưỡng | TIN |
35 | Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng | NTD |
36 | Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối | SON |
37 | Đất có mặt nước chuyên dùng | MNC |
38 | Đất phi nông nghiệp khác | PNK |
III | KÝ HIỆU NHÓM ĐẤT CHƯA SỬ DỤNG | |
1 | Đất bằng chưa sử dụng | BCS |
2 | Đất đồi núi chưa sử dụng | DCS |
3 | Núi đá không có rừng cây | NCS |
Trong đó, đất trồng cây lâu năm, đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị, đất khu công nghiệp, đất khu chế xuất… là những loại đất mà bạn thường gặp nhất.
3. Ký hiệu màu sắc theo loại đất
Màu sắc của từng loại đất thể hiện thông tin quy hoạch hiện tại và trong tương lai của loại đất đó. Từ đó, Cơ quan Nhà Nước dễ dàng quản lý thống kê, kiểm kê các diện tích đất đai của từng địa phương trên cả nước và người dân có thể nắm bắt được tình trạng quy hoạch của thửa đất, tránh trường hợp sử dụng sai mục đích hoặc có thể giải quyết tranh chấp đất đai một cách dễ dàng.
Có 2 cách xem ký hiệu màu sắc trong bản đồ quy hoạch như sau:
Việc xác định loại đất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ của người đang sở hữu, sử dụng đất đó. Vì vậy, dù đang sở hữu hay định mua bán, đầu tư, bạn hãy nắm chắc ý nghĩa ký hiệu và màu sắc của các loại đất trên bản đồ quy hoạch để xác định chính xác được giá trị và tính pháp lý cho thửa đất.
Tài liệu này mang tính chất tham khảo. Thực tế có thể thay đổi tùy thuộc vào tình huống cụ thể và theo quy định pháp luật tại từng thời điểm.
D.T