Chuyển đổi quyền sử dụng đất

Submitted by phongdaotao on T6, 10/21/2022 - 01:26
Chuyen_doi_quyen_su_dung_dat-1

 

Nội dung TopenLand chia sẻ trong bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hình thức 7 "Chuyển đổi quyền sử dụng đất" có phải là hình thức trao đổi tài sản cho nhau không. Bài viết bao gồm các thông tin liên quan tới Khái niệm, Chủ thể, Điều kiện và đặc biệt là Trình tự, thủ tục của hình thức này với 4 bước chính bao gồm Chuẩn bị hồ sơ, Nộp hồ sơ, Tiếp nhận hồ sơ và Giải quyết yêu cầu, trả Giấy chứng nhận. 

1. Khái niệm 

Chuyển đổi quyền sử dụng đất là việc hai hoặc nhiều người sử dụng đất thỏa thuận chuyển giao quyền sử dụng đất cho nhau theo quy định của pháp luật. Các bên vừa là người chuyển đổi nhưng cũng đồng thời là người nhận chuyển đổi. 

* Lưu ý: Hiện nay, pháp luật về đất đai chỉ quy định việc chuyển đổi quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp, chưa có quy định cụ thể về chuyển đổi đối với loại đất khác. 

2. Chủ thể 

 

Chuyen_doi_quyen_su_dung_dat-2

 

Chủ thể là hộ gia đình và cá nhân. 

3. Điều kiện 

 

Chuyen_doi_quyen_su_dung_dat-3

 

Người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp khi có các điều kiện sau (Căn cứ điều 168, 188, 190 Luật đất đai 2013): 
- Đất chuyển đổi phải có giấy chứng nhận (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013). 
- Đất không có tranh chấp. 
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án. 
- Đất chuyển đổi phải trong thời hạn sử dụng đất. 
- Nguồn gốc đất do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác. 
- Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn cho hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. 
- Việc chuyển đổi quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền trong vòng 30 ngày kể từ ngày có biến động và có hiệu lực từ khi đăng ký vào sổ địa chính. 

4. Trình tự, thủ tục 

Để thực hiện việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cần thực hiện 4 bước sau đây: 

 

Chuyen_doi_quyen_su_dung_dat-4

 

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ 
Hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp bao gồm:  
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (theo Mẫu số 09/ĐK). 
- Hợp đồng, văn bản về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất (Theo Án lệ số 15/2017/AL và Án lệ số 40/2021/AL. Tòa án công nhận thỏa thuận miệng, trao đổi trên thực tế (mà không cần lập hợp đồng, văn bản) của các đương sự về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp khi đáp ứng một số điều kiện). 
- Bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

* Lưu ý: Nếu đất thuộc trường hợp dồn điền đổi thửa (*) thì hồ sơ cần bổ sung thêm: 
- Phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp xã đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. 
- Biên bản giao nhận ruộng đất theo phương án dồn điền đổi thửa (nếu có). 
- Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (theo Mẫu số 04đ/ĐK của từng hộ gia đình, cá nhân thay thế đơn đăng ký biến động đất đai theo mẫu 09/ ĐK). 
(*) Dồn điền đổi thửa được hiểu là việc tập hợp ruộng đất để chuyển đổi từ thửa đất nhỏ thành thửa đất lớn. Việc dồn điền đổi thửa là một chính sách áp dụng đối với đất nông nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc canh tác, phát triển sản xuất. 

Bước 2: Nộp hồ sơ 
Cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp nộp hồ sơ tại một trong các cơ quan có thẩm quyền sau:  
- Bộ phận một cửa nếu địa phương đã thành lập bộ phận một cửa. 
- Văn phòng đăng ký đất đai/ Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.  
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nếu địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai. 

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ 
Dựa vào tình trạng của hồ sơ, sẽ có 2 trường hợp xảy ra như sau: 
- Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: Cơ quan tiếp nhận sẽ ghi vào sổ và đưa phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ. 
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ: Cơ quan tiếp nhận xử lý hồ sơ sẽ thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ sửa, bổ sung theo đúng quy định trong thời gian không quá 03 ngày làm việc. 

Bước 4: Giải quyết yêu cầu và trả Giấy chứng nhận 
Cơ quan có thẩm quyền nơi nhận hồ sơ sẽ giải quyết và trả kết quả theo thời hạn quy định cụ thể như sau: 
- Không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với việc chuyển đổi quyền sử dụng đất tại các địa phương thông thường. 
- Không quá 50 ngày làm việc kể ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với việc chuyển đổi quyền sử dụng đất thuộc diện dồn điền đổi thửa. 

* Lưu ý:  
- Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày làm việc. 
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với phải đất nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định trước khi nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 
- Hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ (Căn cứ Điều 190 Luật Đất đai 2013). 

Các hình thức giao dịch quyền sử dụng đất khác, vui lòng tìm đọc theo link bên dưới. 
(1) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 
(2) Tặng cho quyền sử dụng đất. 
(3) Thừa kế quyền sử dụng đất. 
(4) Thế chấp bằng quyền sử dụng đất. 
(5) Góp vốn bằng quyền sử dụng đất. 
(6) Cho thuê và cho thuê lại quyền sử dụng đất. 

Tài liệu này mang tính chất tham khảo. Thực tế có thể thay đổi tùy thuộc vào tình huống cụ thể và theo quy định pháp luật tại từng thời điểm. 

D.T

Đồng Bộ Với Phụ Nữ Mới
On