Trong chương trình Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2020-2025, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá phân tích về tình hình đầu tư và giải pháp thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu.
Theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh phát triển đồng bộ hiện đại, rộng khắp từ đô thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa, hải đảo. Tuy nhiên nếu xét đến phạm vi khu vực, quốc gia thì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, điểm nghẽn. Quốc lộ 51 là tuyến giao thông kết nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tạo kết nối hạ tầng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Bà Rịa -Vũng Tàu, phát huy vai trò của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải (Nguồn: baobariavungtau.com.vn)
Do vậy, việc thúc đẩy đầu tư các tuyến giao thông kết nối vùng và khu vực nhất là đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là yêu cầu hết sức cấp thiết nhằm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong đó trọng tâm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng biển Thị Vải – Cái Mép, phát triển du lịch…
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra 6 giải pháp thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, trong đó có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong đó, UBND tỉnh ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đầu tư công cho các công trình trọng điểm theo kế hoạch đầu tư nhằm đảm bảo tiến độ đầu tư cho các dự án. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn trong đầu tư bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tập trung bố trí vốn để rút ngắn thời gian đầu tư, sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả của các dự án giao thông trọng điểm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt là đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn trung ương như đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An, UBND tỉnh chủ động phối hợp với các bộ liên quan đề xuất Chính phủ bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đầu tư cho dự án.
Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp các chủ đầu tư công trình, khẩn trương rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích đất rừng, đất trồng lúa; xây dựng phương án đền bù giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật dọc theo tuyến đảm bảo bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư theo đúng kế hoạch thực hiện dự án. Vận dụng các cơ chế đặc thù để thực hiện song song công tác đền bù giải phóng mặt bằng với công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu nhằm đảm bảo theo tiến độ được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt.
Được biết, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông qua nghị quyết số bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và bố trí vốn 2022 với số vốn 670 tỷ đồng để xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Có thể thấy, việc đầu tư tuyến đường là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội không chỉ riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn là của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ; tháo gỡ “nút thắt” về hạ tầng giao thông cho sự phát triển kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị phân chia dự án thành 3 dự án thành phần.
Dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5km, đoạn qua Đồng Nai 34,2km. Điểm đầu tuyến nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với tuyến tránh TP Bà Rịa (quốc lộ 56, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
N.H