Bàn cách “dọn tổ đón đại bàng” trong thời kỳ biến động

Submitted by admin on T7, 08/13/2022 - 05:04

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, việc nhận diện những rào cản và nắm bắt được các loại hình khu công nghiệp đang được doanh nghiệp trong và ngoài nước nhắm tới sẽ giúp chúng ta tận dụng tối đa mọi cơ hội để thu hút “đại bàng” trong tương lai.

 

Bàn cách dọn tổ đón đại bàng trong thời kỳ biến động

Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút "đại bàng" trong tương lai.

Khắc phục rào cản

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và một số tổ chức quốc tế, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là đầu tư vào các khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN).

Bên cạnh sự ổn định chính trị, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất trong khu vực; các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế.

Cùng với đó, nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và đang được thực thi hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế.

Ngoài ra, sự quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của nhà nước, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc và sự tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của các doanh nghiệp đầu ngành, điều kiện hạ tầng cho phát triển công nghiệp cho cả 3 miền đã và đang được cải thiện rõ rệt.

Đặc biệt, Việt Nam đã xác định rõ quan điểm định hướng và mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo đó, xác định mục tiêu tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Mỹ) xếp hạng đang hoạt động tại Việt Nam.

Đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, vẫn còn những rào cản về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, thiếu hụt nhân lực và những chính sách ưu đãi khiến họ e ngại.

Tại Diễn đàn "khu công nghiệp Việt Nam - 2022: Khơi thông dòng vốn đầu tư mới", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng bên cạnh những điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng đang gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo ông Phương, duy trì lợi thế cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế trong điều kiện các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam còn hạn chế.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã và đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó xác định việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề.

Bên cạnh đó, đổi mới và đa dạng hóa các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế của khu công nghiệp, khu kinh tế trong thu hút, hợp tác đầu tư.

Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế phải đảm bảo đồng bộ, hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường…

Loại hình KCN thu hút nhà đầu tư

Cùng với việc nhận diện và khắc phục những rào cản tạo đà cho thu hút đầu tư, việc nhận diện những mô hình khu công nghiệp đang “lọt mắt xanh” nhà đầu tư cũng rất quan trọng.

Ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết Việt Nam hiện có khoảng 85% KCN hoạt động theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực, 15% theo mô hình chuyên ngành, hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ.

Trên cơ sở thực hiện và phát triển 30 năm, Nghị định 35 đã xây dựng các quy định mới, trong đó đưa ra 2 mô hình mới là KCN chuyên ngành và KCN công nghệ cao.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung KCN sinh thái, và sửa đổi cụ thể hơn KCN mô hình dịch vụ. khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ gồm các khu chức năng công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

Trong đó, khu công nghiệp có chức năng chính, khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung ứng dịch vụ, tiện ích công cộng và xã hội cho khu công nghiệp.

Nghị định cũng đưa ra quy định với các KCN đô thị dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu không thuộc mức ô nhiễm 1 và 2 theo quy định pháp luật, khu vực đô thị không chiếm quá 1/3 KCN.

Trong quá trình thi công kết cấu hạ tầng, có thể tách riêng các dự án, làm theo trình tự, thủ tục riêng. Nếu thực hiện tổng thể, thì liên quan đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Nghị định 35 bổ sung thêm KCN công nghệ cao, thu hút thêm công nghệ cao, công nghệ thông tin với tiêu chuẩn đảm bảo thu hút, hỗ trợ đáp ứng 65% ngành nghề hỗ trợ.

Nghị định lần này cũng định nghĩa cụ thể hơn trên cơ sở các nhà đầu tư đăng ký, cam kết trong quá trình thực hiện kết cấu hạ tầng KCN. Bổ sung nhà đầu tư thực hiện/thành lập mới KCN phải đáp ứng các tiêu chí mới như cần dành ra tỷ lệ trong quy hoạch dự án để thu hút các ngành hỗ trợ, công nghệ cao.

Ngoài ra, Nghị định 35 trình bày rõ hơn việc xây dựng KCN sih thái, trong đó định nghĩa cụ thể hơn KCN sinh thái có các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất sạch hơn và thực hiện cộng sinh công nghiệp (chất thải DN này là đầu vào DN khác và được tái sử dụng tuần hoàn theo kinh tế tuần hoàn hiện nay).

Đặc biệt, Nghị định 35 bổ sung UBND có các cơ chế, chính sách hỗ trợ hơn về chuyển giao công nghệ trong KCN đảm bảo cộng sinh công nghiệp, chính sách để Ban quản lý KCN có các đơn vị sự nghiệp cung cấp thông tin nhằm giúp các DN kết nối và thực hiện sản xuất sạch hơn.

Với các doanh nghiệp và khu công nghiệp, Nghị định 35 đặt tiêu chí tối thiểu 20% các DN trong KCN sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn….

Với chủ đầu tư hạ tầng thì tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh đạt 25%, so với tiêu chuẩn trước là 21%.

Theo ông Trung, đây là giải pháp cũng như tiêu chuẩn đặt ra để doanh nghiệp có thể xây dựng KCN sinh thái ngay từ ban đầu. Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi về tín dụng xanh, ưu đãi về hạ tầng, tín dụng xanh và trái phiếu xanh, cung cấp thông tin hỗ trợ và giúp doanh nghiệp chuyển giao công nghệ.

Theo Tâm An (Thanhnienviet.com/Cafeland.vn)

Link: https://cafeland.vn/tin-tuc/ban-cach-don-to-don-dai-bang-trong-thoi-ky-bien-dong-112387.html