Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ để giải quyết căn cơ nhu cầu an cư cho người dân. Đó là chủ trương thiết thực, nhân văn nhưng cần tiến hành nhiều giải pháp để đạt mục tiêu này
TP HCM phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, diện tích nhà ở bình quân của địa phương đạt 23,5 m2/người. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 đạt 50 triệu m2 sàn, tương đương 367.000 căn nhà. Giai đoạn 2026-2030, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân hướng tới là 26,5 triệu m2 sàn. Trong đó, ưu tiên nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ để giải quyết căn cơ nhu cầu an cư cho người dân.
Đây là chủ trương hết sức ý nghĩa, thiết thực, nhân văn nhưng để đạt được mục tiêu này, TP HCM cần thực hiện một số giải pháp.
Tạo quỹ đất và nguồn vốn
Những năm qua, mật độ xây dựng chủ yếu nội thành, ngoại thành còn nhiều quỹ đất trống có thể điều chỉnh quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng. Huyện Bình Chánh mỗi năm tăng hơn 30.000 người, thừa đất nông nghiệp, thiếu đất ở. Huyện Củ Chi rộng khoảng 500 km2 gần bằng 1/4 tổng diện tích thành phố (2.100 km2), dân số chỉ chừng 400.000 người (bằng 3 phường nội thành).
Rà soát tất cả các dự án, quy hoạch treo và có hướng xử lý cụ thể. Nếu khả thi phải triển khai nhanh, bồi thường cho người dân bị giải tỏa. Nếu không khả thi thì thu hồi tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế, trong đó có dành một phần cho nhà ở xã hội.
Phát triển nhà ở xã hội để giải quyết căn cơ nhu cầu an cư cho người dân. Ảnh: QUỐC ANH
Kiểm kê các quỹ đất, nhà ở là tài sản công sử dụng sai mục đích và có biện pháp xử lý hiệu quả hoặc tổ chức đấu giá để thu về cho ngân sách. Trích ra một phần để chủ động đầu tư hạ tầng, xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.
Khai thác nguồn lực đất đai, tổ chức đấu giá các quỹ đất công tạo nguồn tài chính làm vốn mồi kêu gọi đầu tư đẩy mạnh phát triển các khu đô thị mới ở vùng ven và triển khai các dự án lớn có quỹ nhà tái định cư như khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đường Vành đai 3, tuyến metro số 2, rạch Xuyên Tâm.
Tiến tới điều tiết bằng chính sách, thu lại một phần giá trị chênh lệch đối với những dự án bất động sản kinh doanh thương mại được thừa hưởng giá trị gia tăng, thay đổi mục đích sử dụng đất nhờ các dự án hạ tầng đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách mang lại.
Gỡ vướng và giảm thủ tục
Hàng loạt dự án nhà ở xã hội đang "bất động" nhiều năm do vướng thủ tục trong việc đầu tư xây dựng, doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều lần chưa được tháo gỡ như khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7), khu nhà ở phường Phú Hữu, khu nhà ở Công ty Đông Nam tại phường Hiệp Bình Phước (TP Thủ Đức)... Các dự án này được gỡ vướng kịp thời sẽ tạo ra thêm sản phẩm nhà ở và là động lực thu hút đầu tư các dự án nhà ở xã hội sắp tới trong khi ngân sách hạn chế.
Xây dựng quy trình thực hiện sao cho tinh gọn, công khai, minh bạch trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án và hoàn thành.
Nên chăng thành lập tổ công tác gồm các cơ quan chức năng với phân công nhiệm vụ rõ ràng, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Có doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố làm đầu mối phối hợp đầu tư phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn. Thu hút đầu tư đi kèm với các chính sách thiết thực và cụ thể như ưu đãi miễn giảm thuế sử dụng đất, thu nhập doanh nghiệp, có ngân hàng đồng hành.
Các thông tin này được đăng tải chi tiết trên mạng đấu thầu quốc gia nhằm thu hút các tập đoàn lớn, doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực bất động sản. Cạnh tranh công bằng sẽ chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm kết hợp thế mạnh từ khâu quản lý dự án, thiết kế, sử dụng vật liệu thiết bị, giải pháp kỹ thuật và tổ chức thi công hình thành căn nhà giảm giá thành khi đến tay người lao động. Theo đó, hằng năm có hàng trăm ngàn sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường. Đây còn là cách phát triển nhà ở kết hợp mô hình thương mại để hình thành các khu đô thị, nhà ở xã hội vừa phục vụ hiện tại và tương lai, góp phần điều tiết lại thị trường bất động sản.
Thêm các chính sách khác
TP HCM còn hàng chục ngàn căn hộ xây dựng bằng vốn ngân sách nhưng bỏ trống, không có người nên nhanh xuống cấp và tốn kém chi phí bảo trì. Có thể xem xét tận dụng làm nhà ở xã hội, căn hộ giá rẻ để bán hoặc cho thuê dài hạn.
Khuyến khích và tạo điều kiện về thủ tục, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có dự án thương mại đang ế ẩm, tắc đầu ra để chuyển sang nhà ở xã hội, căn hộ giá rẻ. Buộc nhà đầu tư các dự án kinh doanh thương mại phải bố trí 20% diện tích cho nhà ở xã hội theo quy định, không được quy đổi ra tiền nộp thay cho nghĩa vụ này.
Tạo nguồn vốn dài hạn, ổn định hỗ trợ trực tiếp cho người thu nhập thấp mua nhà. Quỹ phát triển nhà thành phố áp dụng thêm cho người thu nhập thấp, công nhân thì cơ hội sở hữu nhà càng cao. Thu nhập thấp nhưng ổn định có việc làm, hợp đồng lao động không thời hạn với doanh nghiệp có thể đủ điều kiện mua nhà trả góp. Xét thứ tự ưu tiên mua nhà ở xã hội với điều kiện không được cho thuê hoặc bán lại trong khoảng thời gian ít nhất là 5-7 năm để tránh đầu cơ, sai đối tượng.
Bên cạnh đó, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất dành phần đất làm nhà ở cho công nhân, người lao động. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, nhân viên...
Theo Đỗ Ngô Trần (Báo NLĐ)
Link:https://nld.com.vn/ban-doc/lang-nghe-nguoi-dan-hien-ke-hien-thuc-hoa-muc-tieu-phat-trien-nha-o-20220727205541154.htm