Dự án với quy mô lớn có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, cần có kế hoạch phối hợp chi tiết, cụ thể hóa trách nhiệm từng khâu, rút ngắn quy trình bàn bạc ra quyết định...
Dự án đường Vành đai 3 TP HCM dài 76,34 km có khai thác quỹ đất khoảng 2.000 ha dọc tuyến để làm lại quy hoạch, tổ chức bán đấu giá, tạo nguồn lực tái đầu tư phát triển. Dự án sẽ giải phóng mặt bằng hơn 640 ha đất, riêng TP HCM là 408 ha; bố trí tái định cư khoảng 1.476 hộ, trong đó TP HCM là 740 hộ ở TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh. Để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư, dự án cần khoảng 41.600 tỉ đồng trong tổng kinh phí giai đoạn 1 là 75.378 tỉ đồng.
Gỡ nút thắt đền bù giải tỏa
Giải phóng mặt bằng được cho là mấu chốt, khó khăn, phức tạp nhất. Vậy làm sao hóa giải, công bằng giữa những người bị thu hồi đất? Chỉ áp dụng một giá đền bù cho phần diện tích làm đường và thu hồi đất dọc hai bên, xây dựng phương án đền bù xác định giá đất theo thị trường qua sàn giao dịch. Minh bạch các khoản chi phí, thanh toán qua ngân hàng.
Bồi thường theo giá thị trường từng loại đất và trừ nghĩa vụ tài chính có thống nhất giữa các địa phương TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Nên chăng, nhân (x) thêm hệ số 1,2 với trường hợp giải tỏa một phần và 1,5 với các trường hợp giải tỏa trắng để khuyến khích người dân đồng thuận, đáp ứng nguyên tắc có nơi ở mới tốt hơn. Các khoản chi phí này so với sự chậm giải phóng mặt bằng, đội vốn dự án vẫn có lợi hơn nhiều.
Xem xét tận dụng hàng chục ngàn căn hộ tái định cư trên địa bàn đang bỏ trống để bố trí tái định cư hoặc tạm cư, nhất là các trường hợp ảnh hưởng trực tiếp mặt bằng làm đường. Tính toán hoán đổi chỗ ở bảo đảm các quyền lợi, người dân sẽ hưởng ứng và ủng hộ.
Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Mỹ Phước Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cơ hội rà soát điều chỉnh quy hoạch lồng ghép các chức năng đa mục tiêu trong dự án có bố trí thêm tái định cư tại chỗ, siêu thị, công viên, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng.
Bố trí vốn gồm ngân sách trung ương và địa phương, tránh gián đoạn đền bù giải tỏa do thiếu tiền. Nghiên cứu thêm phương án phát hành trái phiếu dự án, khai thác quỹ đất sau khi có cơ sở hạ tầng, chính quyền bảo lãnh rủi ro và doanh thu cao hơn lãi suất ngân hàng.
Hoán đổi, bố trí đất ở bằng diện tích đất ở tương tự, các loại đất khác cũng sẽ quy đổi giữa giá bồi thường dự kiến với tỉ lệ nhận lại đất ở (tận dụng ngay quỹ đất công trong và ngoài dự án). Người bị giải tỏa được quyền lựa chọn nhận số tiền bồi thường hoặc nhận lại diện tích đất ở nhỏ hơn tỉ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do đầu tư cơ sở hạ tầng mang lại.
Được vậy sẽ giảm gánh nặng ngân sách, giải được bài toán chi phí, tận dụng ngay các quỹ đất công sẵn có. Đòi hỏi phải tính toán đầy đủ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Phương án bồi thường sớm được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng những người bị thu hồi đất, khi đạt được đa số ý kiến cộng đồng đồng thuận hơn 50% thì xem như cơ sở cho cấp thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn chấp thuận phương án hoặc bị nhà nước thu hồi đất. Đây còn được cho là cơ chế "đồng thuận cộng đồng theo đa số", bảo đảm công bằng cao nhất, giảm thiểu các trường hợp cưỡng chế.
Còn phần đất dôi dư sau khi được quy hoạch lại, bán đấu giá hoàn vốn làm dự án và tái đầu tư. Kèm theo đó là công khai các kế hoạch phát triển toàn bộ địa bàn liên quan như kết hợp giải quyết mục tiêu về phát triển nhà ở, giao thông, chống ngập, y tế, giáo dục, thể thao, mảng xanh, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, cảnh quang môi trường… Nhà đầu tư nào sử dụng cũng đều phải tuân thủ, làm dự án phù hợp nhu cầu phát triển xã hội.
Chọn nhà thầu có năng lực tốt nhất
Theo kế hoạch, công tác giải tỏa đến tháng 12-2023, bảo đảm tối thiểu 70% mặt bằng. Phấn đấu khởi công vào tháng 6-2023, thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 10-2025, hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6-2026, bàn giao và quyết toán trong năm 2027.
Như vậy vẫn còn thời gian tổ chức đấu thầu xây lắp, sẽ có nhiều sự so sánh, lựa chọn nhà thầu có năng lực tốt nhất thì càng bảo đảm tiến độ cũng như hiệu quả đầu tư, thành công cho dự án vừa tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng, nhất là sau thời điểm trải qua dịch bệnh.
Đấu thầu bây giờ có nhiều thuận lợi nhờ áp dụng hình thức tổ chức đấu thầu qua mạng thì không chỉ giúp rút ngắn thời gian mà còn bảo mật các thông tin hồ sơ dự thầu, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu các thủ tục, hạn chế tình trạng thông thầu như "quân xanh, quân đỏ".
Chỉ định thầu áp dụng cho các gói thầu tư vấn cần xây dựng tiêu chí đánh giá trình độ, năng lực, kinh nghiệm đáp ứng mới đưa vào danh sách xét chọn, cụ thể hóa trách nhiệm.
Di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp nước, cấp điện, viễn thông có thể áp dụng hình thức bồi thường trọn gói, giao cho đơn vị quản lý chuyên ngành trực tiếp thực hiện thì sẽ có sự chủ động lập thủ tục, chuẩn bị nhân lực, chuyển nguồn thay thế, thu hồi hệ thống cũ.
Tuyến đường dự kiến có bề rộng từ 60-74 m, xem xét dành thêm một phần dải đất dọc theo để trồng cây tăng cường mảng xanh, thoát nước. Sau này nếu nhu cầu chỉnh trang đô thị, mở rộng thì lấy phần đất này sử dụng cũng đỡ tốn kém hơn việc giải tỏa hai bên đường.
Hạn chế bố trí các khu dân cư đô thị, trung tâm thương mại tiếp giáp dọc tuyến mà thay vào đó làm đường song hành kết nối vừa bảo đảm mỹ quan vừa an toàn giao thông. Cũng tránh tình trạng quá tải phương tiện như trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng.
Dự án với quy mô lớn có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, cần có kế hoạch phối hợp chi tiết, cụ thể hóa trách nhiệm từng khâu, rút ngắn quy trình bàn bạc ra quyết định. Định kỳ tổ chức họp, khoảng 2 tuần/lần để kịp tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án.
Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 7-2022, TP HCM cùng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An liên tục tổ chức 2 hội nghị và nhiều cuộc họp để bàn thảo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ Dự án đường Vành đai 3.
Theo Trần Văn Tường ( Báo NLĐ)
Link: https://nld.com.vn/ban-doc/vanh-dai-3-mau-chot-la-hai-hoa-loi-ich-20220726200942814.htm