Với nhà phố, thông gió có ý nghĩa rất lớn bởi chúng thường có diện tích nhỏ, thiếu mặt thoáng, bí bách.
Thông gió là một yếu tố vật lý kiến trúc quan trọng trong nhà ở. Thông gió giúp môi trường không khí trong nhà lưu chuyển, tuần hoàn thường xuyên để đẩy khí cũ (vốn có nồng độ CO2 cao) và đón khí mới, khí tươi (giàu O2) vào.
Thông gió tốt làm không khí trong lành, tăng giá trị tiện nghi của không gian sống, cải thiện sức khỏe và tiết kiệm năng lượng cho gia chủ (bớt sử dụng quạt, điều hòa nhiệt độ). Vì vậy, thiết kế thông gió cho nhà phố rất cần được lưu ý.
Nguyên tắc chung
Nguyên tắc chung để thông gió là tạo ra hoặc tận dụng sự chênh lệch áp suất không khí để không khí - luồng gió chuyển động từ nơi này đến nơi kia, cụ thể là từ nơi có áp suất cao tới nơi áp suất thấp.
Tiếp theo là ở các không gian, có nơi đón gió vào, có nơi đẩy gió ra. Điều đó có nghĩa là phải tạo ra những vị trí mở, là cửa đi, cửa sổ, ô trống, ô thoáng để luân chuyển gió. Về lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế nhà phố có rất ít mặt thoáng, thường chỉ có một đến hai mặt thoáng nên việc thông gió không dễ dàng mà phải nghiên cứu trên giải pháp kiến trúc - kỹ thuật trong từng trường hợp cụ thể.
Giải pháp thông gió tự nhiên
Thông gió tự nhiên là giải pháp thiết kế kiến trúc ngoài việc đáp ứng công năng sử dụng và thẩm mỹ còn tạo ra những yếu tố tăng cường luân chuyển không khí trong các phòng, không gian sinh hoạt ngôi nhà. Các giải pháp thông gió tự nhiên trong nhà phố gồm:
- Thiết kế hệ thống cửa hợp lý (bao gồm cả diện tích, vị trí, hướng, cấu tạo, quy cách mở) trong nhà, trong các phòng chức năng. Theo đó, mỗi không gian cần thiết tối thiểu có hai vị trí cửa ở hai tường khác nhau (tốt nhất là đối nhau nhưng so le).
- Thiết kế những không gian mở, không gian liên thông (ví dụ như phòng khách và phòng ăn, phòng khách và phòng bếp...) để tạo không gian lớn dễ dàng luân chuyển khí.
- Sử dụng những loại vật liệu có tính năng thông gió như gạch lỗ, tường hoa, cửa chớp/chớp lật. Những loại này có tính năng che chắn kín đáo, cản nắng, cách nhiệt mà vẫn đảm bảo thông gió.
- Thiết kế ống gió, giếng trời, khe kỹ thuật để thông gió theo phương đứng lên mái nhà. Giải pháp này rất phù hợp và phổ biến với nhà phố thiếu mặt thoáng. Theo nguyên lý đối lưu, khí nóng sẽ bốc lên trên, tạo thành luồng gió hút qua ống gió, giếng trời, thoát lên mái. Nếu như ở dưới đáy giếng trời là một không gian lớn sẽ tăng cường hiệu quả việc luân chuyển khí.
- Bố trí cây xanh, thiết kế vườn, sân trong (với nhà có diện tích đủ lớn) để tạo không gian lớn, thoáng và không khí trong lành do cây xanh nhả khí O2. Cây xanh cũng giúp thanh lọc không khí bẩn/độc và điều hòa nhiệt độ vào mùa nắng nóng.
- Thiết kế cửa thông gió giữa lớp mái với trần, nhất là đối với những nhà có mái ngói, mái dốc mà có lớp trần bên dưới. Thông thường lớp không khí ở giữa sẽ bị đốt nóng, tỏa xuống không gian sử dụng bên dưới. Vì vậy cần thông gió để giải nhiệt cho khối khí này bằng các cửa thông gió.
- Tận dụng buồng thang bộ như một giếng trời để thông gió theo phương đứng. Giải pháp này cần có cửa mái thoáng để thoát khí. Giải pháp này cũng rất hiệu quả bởi cầu thang bộ thường gắn liền với các sảnh tầng, không gian chung nên góp phần thông gió ở phạm vi lớn trong nhà.
- Kết hợp giải pháp thông gió theo phương ngang (cửa, hành lang) và đứng (cầu thang, giếng trời) để không khí luân chuyển tự do, linh hoạt, làm thoáng hiệu quả các không gian
Giải pháp thông gió cưỡng bức (thông gió cơ khí)
Không nên phụ thuộc hoàn toàn vào thông gió tự nhiên bởi đôi khi, phương pháp này không hiệu quả (nhất là đối với nhà phố), cần phải có thông gió cưỡng bức (thông gió cơ khí - sử dụng thiết bị thông gió) hỗ trợ.
Cũng không nên nghĩ rằng chỉ phòng bếp và phòng vệ sinh mới cần thông thoáng khí, mà mọi không gian khác sử dụng trong nhà ở như phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc... cũng cần thông thoáng khí. Các loại thiết bị thông thoáng khí phổ biến nhất là quạt thông gió. Để sử dụng quạt thông gió hiệu quả, cần lưu ý một số điểm sau đây.
- Chọn quạt đúng loại với phòng chức năng (phòng ngủ, phòng bếp, phòng vệ sinh...), căn cứ vào diện tích/ thể tích phòng cùng với công suất tương ứng (tính theo lưu lượng m3 khí mỗi giờ). Với không gian lớn nên lắp nhiều quạt công suất vừa và nhỏ ở nhiều vị trí hơn là một quạt công suất lớn ở một vị trí. Nên có sự tư vấn của chuyên gia thông gió.
- Chọn đặc tính kỹ thuật thiết bị phù hợp với khả năng lắp đặt tại không gian cụ thể: như quạt âm tường hay âm trần, có ống dẫn khí hay không có ống dẫn. Nên có sự tư vấn của kiến trúc sư.
- Chọn vị trí lắp quạt phù hợp để đạt hiệu quả nhất cho việc thông khí, tức là tạo luồng khí đi có lợi nhất trong không gian. Điều này cần căn cứ vào hướng gió và môi trường khí xung quanh nhà, cũng như mặt bằng kiến trúc cụ thể. Thông thường, lắp ở vị trí ít lưu thông gió như đối diện cửa ra vào, trong góc phòng để đạt hiệu quả cao nhất. Nếu phòng có máy lạnh thì quạt nên để ở vị trí cách xa máy lạnh nhất. Vị trí công tắc quạt phải ở nơi tiện lợi dễ sử dụng, vận hành.
- Với quạt hút âm tường, tránh đặt quạt ở vị trí tường có mưa tạt, có thể gây chập cháy hay hỏng thiết bị; nên để quạt ở những vị trí có mái che bên ngoài hay tường kế logia. Vị trí lắp quạt hút âm tường hoạt động tốt nhất khi cách sàn khoảng 17,5 đến 22,5 cm và cách trần 25 đến 30 cm
- Với công trình xây mới, cần tính toán trước vị trí đặt máy để chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật tốt (như nguồn điện, ống dẫn khí)
- Với công trình cải tạo, lắp bổ sung cần khảo sát kỹ hiện trạng để việc lắp đặt được thuận lợi, tránh đục phá nhiều ảnh hưởng tới kết cấu hay thẩm mỹ kiến trúc-nội thất.
- Việc lắp đặt cần thực hiện đúng các hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Với những loại quạt không có bộ cảm ứng nhiệt (tự ngắt khi quạt nóng quá) thì không nên bật quạt quá lâu, ảnh hưởng đến tuổi thọ và có thể quá tải gây cháy thiết bị.
- Sau một thời gian sử dụng, khoảng 1-2 năm, tùy chủng loại quạt, cần phải bảo dưỡng (vệ sinh bụi bẩn, rác bị cuốn vào, tra dầu mỡ vào ổ trục) để quạt đỡ ồn và tăng tuổi thọ.
Việc lựa chọn chủng loại quạt, vị trí lắp đặt hợp lý, sử dụng đúng cách không những tạo hiệu quả cao cho việc thông gió, mang lại bầu không khí trong lành, cải thiện sức khỏe; mà còn tiết kiệm điện năng, tránh ồn, làm cho thiết bị bền lâu.
Kiến trúc sư Nguyễn Trần Đức Anh