Xin đất rồi 'sang tay' hưởng chênh lệch khiến dự án treo

Submitted by admin on T3, 04/26/2022 - 03:20

“Nhiều chủ đầu tư lập dự án, được cấp đất nhưng không thực hiện rồi chuyển nhượng qua nhiều lần hưởng chênh lệch, dẫn đến dự án treo”, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay.

Xin đất rồi 'sang tay' hưởng chênh lệch khiến dự án treo

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao việc tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung nguồn lực cho phát triển, chi đầu tư cho phát triển tăng lên, dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng vẫn đạt tăng trưởng dương, thu ngân sách vượt 16,4% dự toán…

Bên cạnh đó, bà Thanh cũng đồng tình với báo cáo của Chính phủ, khi thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Trong đó, vấn đề sử dụng đất nông nghiệp, nông lâm trường, đặc biệt các dự án treo gây nhiều hệ luỵ.

Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị phải rà soát, thu hồi đất không sử dụng. “Nhiều chủ đầu tư lập dự án, được cấp đất nhưng không thực hiện dự án, rồi chuyển nhượng qua nhiều lần hưởng chênh lệch, dẫn đến dự án treo”, bà Thanh nói và cho rằng, nguyên nhân không phải do nhà đầu tư khó khăn, mà ngay từ đầu, nhà đầu tư đã tính toán đến việc chuyển nhượng. Trong khi đó, các cấp chính quyền giao dự án có thể biết nhưng vẫn giao đất.

“Có những dự án chuyển giao 2 – 3 nhà đầu tư mà vẫn chưa thực hiện”, bà Thanh cho hay.

Từ kinh nghiệm thực tế khi công tác tại địa phương, theo bà Thanh, đơn giá tiêu chuẩn liên quan đến tổng mức dự án, thanh quyết toán còn nhiều vướng mắc, nhiều định mức tiêu chuẩn chưa sát thực tế, nhất là dự án liên quan đến nạo vét sông, kè, hồ đập. Bà Thanh đề nghị quan tâm nhiều hơn đến nội dung này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ thêm 3 nhiệm vụ. Trong đó, việc đưa tiêu chí tiết kiệm, chống lãng phí làm tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng và bổ nhiệm công chức, viên chức được thực hiện thế nào? Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đoàn thể được thực hiện ra sao?...

Đề cập đến lĩnh vực, địa bàn có nguy cơ gây lãng phí nhiều nhất, ông Mẫn ví dụ trong đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng công trình trụ sở làm việc, cầu đường…việc giám sát, kiểm tra như thế nào? Điển hình như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thấy tiêu cực, lãng phí rất lớn, phải xử lý hình sự.

“Năm 2022, phải chăng cần đi sâu vào kiểm tra tình trạng thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhất là đối với các công trình giao thông trọng điểm?” ông Mẫn đề nghị cần tập trung vào vấn đề này.

Đường sắt đô thị chậm trễ, gây lãng phí

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, việc phân bổ kế hoạch của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Chất lượng lập, phân bổ kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công một số nơi còn nhiều bất cập, mang tính hình thức, dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch nhưng vẫn chưa thể triển khai thi công. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương, và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp...

Thẩm tra sơ bộ, Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, trong công tác chuẩn bị đầu tư, có nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra ngay từ những bước đầu tiên.

Việc rà soát, điều chuyển, bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án chưa được thực hiện kịp thời, linh hoạt.

“Đây là tồn tại kéo dài nhiều năm, đề nghị Chính phủ cần kiên quyết xử lý dứt điểm”, ông Phớc nêu.

Theo báo cáo, có 9 bộ và 21 địa phương chưa phân bổ chi tiết với tổng số vốn hơn 9.000 tỷ đồng… Điều này dẫn đến kết quả tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm chậm, trong đó có một số dự án đầu tư trọng điểm. Tuy nhiên những tháng cuối năm, tỷ lệ giải ngân lại tăng đột biến. Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ về vấn đề này.

“Có trường hợp địa phương được phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các dự án chưa được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, phải đề nghị điều chỉnh, không bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội”, báo cáo thẩm tra nêu.

Đặc biệt, theo cơ quan thẩm tra, một số dự án quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong công tác triển khai, đưa vào hoạt động, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và TPHCM.

Trong đó, dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được phê duyệt năm 2009, đến nay lũy kế giải ngân vốn đạt hơn 47% tổng mức đầu tư; tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỉ đồng lên 35.679 tỉ đồng…

Theo Luân Dũng (Tiền phong - CafeF)